Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định đến ngày 27-6, đơn vị không nhận được thông báo về việc Hàn Quốc cấm nhập khẩu sản phẩm ớt của Việt Nam như thông tin trên mạng xã hội.

Hàn Quốc không cấm nhập khẩu ớt từ Việt Nam, chỉ thu hồi sản phẩm vi phạm - Ảnh 1.

Ớt là nông sản Việt có giá trị xuất khẩu lớn sang thị trường Hàn Quốc 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 27-6ông Ngô Xuân Nam, phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), cho biết đơn vị vừa có công văn gửi Cục Bảo vệ thực vật thông báo của Hàn Quốc về sản phẩm ớt đỏ khô của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Theo đó, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc cho biết lô hàng của Công ty TNHH Long Thành sản xuất năm 2022 có mức dư lượng tricyclazone trong các mẫu ớt đỏ khô dao động 0,02 – 0,04 mg/kg, vượt quá mức cho phép của Hàn Quốc 0,01 mg/kg.

“Hàn Quốc không cấm hoàn toàn mà cho phép dư lượng tricyclazone ở mức 0,01 mg/kg. Do đó các doanh nghiệp, đơn vị xuất khẩu phải lưu ý quy định của nước nhập khẩu để đáp ứng được yêu cầu khi xuất khẩu” – ông Nam nói.

Trước vi phạm trên, ông Nam cho biết phía Hàn Quốc đã cho thu hồi sản phẩm ớt đỏ khô do ba công ty nước này phân phối từ Công ty Long Thành, gồm Công ty TNHH thương mại Geosan, Công ty TNHH nông nghiệp Bokine, Công ty TNHH nông nghiệp Yangil phân phối sản phẩm của Công ty TNHH Long Thành.

Trên cơ sở kết quả rà soát, kiểm tra, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị gửi văn bản thông báo kết quả xử lý về Văn phòng SPS Việt Nam để trao đổi với phía Hàn Quốc nhằm công khai, minh bạch hóa thông tin, cũng như trao đổi về các biện pháp khắc phục.

“Đến ngày 27-6, Văn phòng SPS Việt Nam không nhận được bất cứ thông báo nào về việc Hàn Quốc cấm nhập khẩu sản phẩm ớt của Việt Nam như thông tin trên mạng xã hội” – ông Nam khẳng định.

Ngay sau khi nhận thông báo trên, Cục Bảo vệ thực vật lập tức chỉ đạo rà soát, kiểm tra và xác minh thông tin trên.

Kết quả, đơn vị xuất khẩu được xác định đăng ký kinh doanh tại cụm công nghiệp đường Ngô Quyền, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Trên cơ sở này, Cục Bảo vệ thực vật gửi thông báo tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, các chi cục kiểm dịch thực vật và doanh nghiệp liên quan đề nghị Công ty TNHH Long Thành chấp hành, tuân thủ các nội dung quy định tại thông tư số 17-2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Đồng thời, công ty phải thực hiện điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp; tổ chức thực hiện các hành động khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm.

Theo thời gian quy định, doanh nghiệp gửi báo cáo kết quả thực hiện truy xuất và các biện pháp khắc phục về Cục Bảo vệ thực vật.

Về phía địa phương, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám sát hoạt động rà soát các khâu trong chuỗi quản lý của doanh nghiệp, sớm xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

Trước đó, tháng 3-2022, Cục Bảo vệ thực vật có văn bản gửi sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành và doanh nghiệp xuất khẩu ớt thông báo về yêu cầu của Bộ An toàn dược phẩm và thực phẩm Hàn Quốc.

Cụ thể, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất ớt của Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc phải có kết quả kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do các phòng thử nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận.

Tám phòng thí nghiệm này bao gồm các trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản từ vùng 1 đến 6, hai phòng thí nghiệm độc lập là Công ty Intertek chi nhánh Cần Thơ và Công ty SGS Việt Nam tại TP.HCM.

Thời gian áp dụng các yêu cầu kiểm tra nêu trên là 1 năm, tính từ ngày 31-3-2023.

Ớt là nông sản Việt có giá trị xuất khẩu lớn sang thị trường Hàn Quốc. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 4.900 tấn ớt, với kim ngạch đạt khoảng 11,9 triệu USD.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Hàn quốcỚt tươiXuất khẩu ớt

Các tin liên quan đến bài viết