Sở Tài nguyên – môi trường Hà Nội đề xuất giải pháp hỗ trợ tài chính để người dân bỏ bếp than tổ ong sau kết quả khảo sát cho thấy tại Hà Nội còn khoảng 55.000 bếp than tổ ong, mỗi ngày tiêu thụ 528 tấn than, thải ra 1.870 tấn CO2.

Hà Nội tính hỗ trợ tiền để người dân bỏ bếp than tổ ong - Ảnh 1.

Tình trạng sử dụng bếp than tổ ong vẫn còn nhiều trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt ở các hàng quán kinh doanh tại các quận nội thành 

Bà Lê Thanh Thủy – chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên – môi trường Hà Nội, cho biết TP Hà Nội đã xác định thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Theo đó, trong số các nguồn gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội có nguồn từ sử dụng bếp than tổ ong.

Kết quả thống kê về số lượng gia đình sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn Hà Nội vừa qua khiến cơ quan quản lý về môi trường rất bất ngờ, vì nơi sử dụng bếp than tổ ong nhiều nhất lại là các quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm.

Toàn thành phố còn khoảng 55.000 bếp, trong đó tỉ lệ bếp than tổ ong ở các quận nội thành chiếm 63% do tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, nhà hàng, bán nước vỉa hè, còn ngoại thành chiếm 37%.

Trước thực tế trên, Sở Tài nguyên – môi trường Hà Nội đề xuất giải pháp xây dựng cơ chế ưu đãi doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm thay thế bếp than tổ ong, sử dụng chất đốt thân thiện với môi trường.

Đối với xưởng sản xuất bếp than tổ ong, than tổ ong, cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát và lên kế hoạch tuyên truyền, hỗ trợ chuyển đổi theo lộ trình giảm và xoá bỏ các cơ sở này.

Đối với các hộ gia đình sử dụng bếp than tổ ong, sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí để thay thế bếp than tổ ong.

Sở Tài nguyên – môi trường Hà Nội kiến nghị UBND TP Hà Nội cho thực hiện thí điểm trong năm 2018. Theo đó, hỗ trợ 30 – 50% giá 1 bếp cải tiến cho các hộ kinh doanh và gia đình sử dụng bếp than tổ ong, đồng thời nghiên cứu hỗ trợ một phần giá nhiên liệu đốt của bếp cải tiến.

Trong năm 2019, hỗ trợ 10 – 20% giá bếp cải tiến cho các hộ kinh doanh và gia đình sử dụng bếp than tổ ong và hỗ trợ một phần giá nhiên liệu đốt của bếp cải tiến, đảm bảo hết năm 2019 thay thế 100% bếp than tổ ong.

Đề cập về mức độ độc hại trong sử dụng bếp than tổ ong, PGS.TS Vũ Văn Giáp – tổng thư ký Hội hô hấp Việt Nam – cho biết đã có những ca rất tử vong rất thương tâm khi ngộ độc khí CO từ bếp than tổ ong.

“Những ca thương tâm đó không phải xảy ra ở miền núi, mà xảy ra ở ngay Hà Nội. Có gia đình ngạt vì khí CO do ủ bếp than tổ ong, trong khi tình trạng tử vong do ngộ độc khí CO đến rất từ từ, không phát hiện ra được” – ông Giáp cho hay.

Khí CO rất độc, nó gắn kết rất chặt với hồng cầu là chất mang vận chuyển ô xy, chiếm hết các tế vào vận chuyển ô xy và cuối cùng là tử vong mà không cho người ngộ độc có phản ứng nào.

PGS.TS Vũ Văn Giáp kể có những trường hợp mắc bệnh hen, khi vào viện không kiểm soát được cơn hen. Bác sĩ hỏi ở nhà dùng bếp gì thì được trả lời dùng bếp từ, nhưng hỏi kỹ hơn thì được biết nhà đối diện làm hàng ăn và sử dụng bếp than tổ ong.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bếp than tổ ongCO2Hà Nộikinh doanhô nhiễm không khí

Các tin liên quan đến bài viết