Nhiều doanh nghiệp vận tải chạy xe 16 chỗ, giường nằm tuyến TP.HCM đi các tỉnh cho biết đang gặp nhiều khó khăn khi bước vào mùa thấp điểm, khách đi lại giảm sút trong khi chi phí xăng dầu lại tăng mạnh.
Ngày 19-2, tại bến xe Miền Đông (Bình Thạnh), hàng trăm xe giường nằm đang chờ tới lượt xuất bến, trong khi lượng khách đến bến xe khá thưa thớt. Anh Tiên, tài xế nhà xe Hoàng Long – chuyên chạy tuyến Sài Gòn – Cư Jút (tỉnh Đắk Nông), cho biết tại thời điểm hiện nay, mỗi chuyến xe xuất bến mà được 50% số khách là “ngon lắm rồi” vì vận chuyển hành khách bước sang giai đoạn thấp điểm.
Khách vắng, giá xăng lại tăng rất mạnh khiến các nhà xe đang gặp nhiều khó khăn. Theo anh Tiên, với một chuyến chặng Sài Gòn – Cư Jút, trước đây chi phí đổ dầu cao lắm ở mức dưới 4 triệu đồng nhưng nay tăng vọt lên 4,6 triệu đồng. “Mỗi chuyến xe lăn bánh ra khỏi bến xe là “cõng” nhiều chi phí khác như phí xuất bến, lương nhân viên, khấu hao tài sản…”, anh Tiên cho biết thêm.
Trước sức ép chi phí nhiên liệu (chiếm 35-40% trong cơ cấu giá cước) tăng, nhiều nhà xe chở khách hoạt động gần khu vực bến xe Miền Đông đã điều chỉnh tăng nhẹ giá vé xe giường nằm đi các tỉnh. Chẳng hạn, khách hỏi vé chạy tuyến Sài Gòn – Bình Định trong ngày 20-2, nhân viên nhà xe D.T (có bãi xe tại vòng xoay cầu vượt Phạm Văn Đồng giao với quốc lộ 13) thông báo giá vé là 350.000 đồng/khách, tăng 50.000 đồng/vé so với những ngày trước.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Hãng xe H.Thanh (chuyên chạy tuyến Quảng Nam – TP.HCM) xác nhận đang chuẩn bị tăng giá vé khoảng 3,5-7% để cân đối thu chi do giá đầu vào nhiên liệu tăng quá mạnh. “Nếu không điều chỉnh giá vé, tôi khẳng định không nhà xe nào lãi nổi, có chăng là cắt giảm số lượng hoạt động hoặc chạy cầm chừng vì khách đi lại đã giảm rất nhiều. Ngay cả quán ăn để khách nghỉ ngơi, ăn uống cũng báo tăng giá bán”, vị này nói.
Nhiều nhà xe cho biết đang “tiến thoái lưỡng nan”, chạy cũng lỗ mà không chạy càng nguy hiểm hơn. Bởi tiền mua xe đều vay ngân hàng, không chạy xe sẽ không có tiền trả nợ gốc và lãi nên “bằng bất cứ giá nào cũng phải tìm cách chạy để có đồng ra đồng vào”. Không chỉ xe khách, các đơn vị logistics cũng gửi thông báo tăng giá dịch vụ vận chuyển ngay trong tháng 2-2022.
Chẳng hạn Công ty Giao Hàng Nhanh đã chính thức điều chỉnh tổng cước phí tăng 1,85%, bao gồm cước phí giao hàng và các phí dịch vụ phát sinh. Thời gian áp dụng trong tháng 2 cho đến khi có thông báo điều chỉnh mới.
Nông sản gặp khó vì giá thành bị đội lên cao
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho biết chi phí vận chuyển tăng mạnh khiến giá thành sản phẩm bị đội lên, khả năng cạnh tranh bị ảnh hưởng.
Theo ông Đoàn Văn Sang – giám đốc Công ty chế biến nông sản Cát Tường, chi phí vận chuyển container hàng trái cây từ các tỉnh miền Tây ra cửa khẩu phía Bắc để xuất sang Trung Quốc đã cao, nay càng tăng mạnh. Từ cuối năm 2021 đến nay, chi phí vận chuyển mỗi chuyến container hàng ra cửa khẩu đã bị đẩy lên 90 – 100 triệu đồng, tăng mạnh so với con số 50 – 70 triệu đồng/chuyến trước đó. “Nhưng với giá xăng dầu trên đà tăng, giá cước vận chuyển nông sản trái cây dự báo cũng sẽ tăng cao hơn nữa”, ông Sang lo lắng.
Ông Trương Nguyên Linh – phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 (liên doanh đầu tư khai thác cảng VICT) – cho biết giá xăng dầu trong đà tăng liên tục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phục hồi kinh tế, đặc biệt với ngành logistics và vận tải. “Sản lượng hàng hóa qua cảng đang bắt đầu hồi phục, việc sử dụng phương tiện sẽ nhiều hơn. Với giá xăng dầu tăng cao, những doanh nghiệp sử dụng hàng trăm ngàn lít dầu mỗi tháng sẽ bị đội chi phí lên rất lớn”, ông Linh nói.
Nguồn: tuoitre.vn