Tổng thống Joe Biden muốn đẩy mạnh chiến dịch tái tranh cử bằng cách cam kết giảm lạm phát và chứng minh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Trong bối cảnh đó, việc giá xăng liên tục tăng có thể là lực cản cho nỗ lực của vị tổng thống 80 tuổi.
Ông Biden đang chịu áp lực lớn từ giá xăng dầu tăng ở Mỹ – Số liệu: Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA)
Saudi Arabia và Nga cắt giảm nguồn cung, khiến giá dầu thô toàn cầu tăng 20% trong mùa hè này, qua đó đẩy giá nhiên liệu ở Mỹ tăng lên mức cao nhất 9 tháng qua. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về việc giá dầu tăng lên 100 USD/thùng trong năm nay, kèm theo đó là những hệ quả chính trị.
Sức nóng từ cung – cầu
Ngày 3-8, Saudi Arabia thông báo gia hạn quyết định cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày cho đến hết tháng 9-2023. Cùng ngày, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak thông báo nước này cũng sẽ cắt giảm sản lượng dầu 300.000 thùng/ngày trong tháng 9 như một phần trong nỗ lực nhằm bảo đảm ổn định thị trường.
Báo Politico dẫn số liệu từ Hiệp hội Ô tô Mỹ cho biết diễn biến này đã khiến giá xăng sau 6 tháng gần như ổn định, đã tăng lên mức trung bình 3,82 USD/gallon trên toàn quốc.
Lần tăng giá này cũng bao gồm dầu diesel, nhiên liệu đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp và nông nghiệp.
Ngày 4-8, giá dầu Brent đạt mức cao nhất trong 4 tháng là 86,65 USD/thùng, sau khi máy bay không người lái của Ukraine tấn công các tàu quân sự tại cảng dầu Novorossiysk của Nga ở Biển Đen.
Một tàu chở dầu của Nga sau đó đã bị tấn công gần Crimea, làm gia tăng lo ngại rằng cuộc phản công của Ukraine có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng. Giá dầu của Mỹ và quốc tế sau đó gần đạt mức cao nhất trong năm.
Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích, nhiệt độ cao đã làm đình trệ hoạt động tại một số nhà máy lọc dầu lớn của Mỹ, qua đó hạn chế việc sản xuất xăng, nhiên liệu máy bay và dầu diesel vào thời điểm nhu cầu tăng cao. Đó là một vấn đề đáng lo ngại vì tồn kho xăng đặc biệt thấp vào thời điểm này trong năm.
Nguồn cung không ổn định nhưng nhu cầu lại tăng. Cũng trong tuần trước, các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết nhu cầu dầu toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 102,8 triệu thùng/ngày trong tháng 7.
Nhu cầu tăng do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không và đường bộ tăng mạnh vào mùa hè, Trung Quốc tăng thu mua và nền kinh tế Mỹ cũng như Ấn Độ phục hồi tốt hơn dự kiến.
“Những lo ngại về suy thoái kinh tế ở Trung Quốc đã giảm đi nhiều trong 3-4 tuần qua, điều này khiến các nhà đầu tư quan tâm dầu mỏ trở lại” – ông Jeff Currie, chuyên gia tại Goldman Sachs, nhận định.
Công ty tư vấn Enverus tin rằng nhu cầu toàn cầu tăng cao và tăng trưởng nguồn cung
yếu sẽ đưa giá dầu Brent chạm mốc 100 USD/thùng trước cuối năm nay.
“Nhà Trắng đang hoảng loạn”
Với mức giá 3,82 USD/gallon, giá xăng dầu ở Mỹ đã tăng gần 10% trong tháng 7 và cao hơn khoảng 60% so với thời điểm ông Biden nhậm chức tổng thống.
“Nhà Trắng đang trong tình trạng hoảng loạn” – tờ Financial Times dẫn lại lời tuyên bố của ông Bob McNally, người đứng đầu Công ty tư vấn Rapidan Energy Group có trụ sở tại Washington (Mỹ), đồng thời là cựu cố vấn của cựu tổng thống Mỹ George W. Bush.
“Bất kỳ tổng thống đương nhiệm nào cũng thấy lo lắng khi giá nhiên liệu tăng vì nó ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và tỉ lệ ủng hộ của tổng thống”, ông Bob McNally nói thêm.
Quan chức Nhà Trắng khẳng định chính quyền đang giám sát chặt chẽ giá xăng dầu, đồng thời lưu ý rằng giá xăng hiện nay vẫn rẻ hơn 1 USD kể từ mức cao nhất vào mùa hè năm ngoái.
Các đối thủ từ Đảng Cộng hòa đã không bỏ qua cơ hội này. Họ đổ lỗi cho ông Biden, gọi chính sách kinh tế của vị tổng thống 80 tuổi là “cuộc chiến chống lại năng lượng”. Chỉ trích có lẽ sẽ không dừng lại nếu trong tương lai giá xăng tiếp tục tăng.
Các nhà phân tích cho rằng Nhà Trắng không có nhiều lựa chọn trong việc ngăn chặn đà tăng giá nhiên liệu. Nhất là vào tháng 3-2022, Mỹ đã giải phóng 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong 6 tháng (tức 180 triệu thùng) từ kho dự trữ chiến lược (SPR) để phần nào tháo gỡ sự gián đoạn trên thị trường năng lượng toàn cầu gây ra bởi cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt sau đó của phương Tây áp lên ngành dầu mỏ của Nga.
Các nhà phân tích nhận định Mỹ có thể cần phải nhờ lãnh đạo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) là Saudi Arabia giúp một tay, mặc dù ông Biden được cho là ít có khả năng gây ảnh hưởng đến chính sách dầu của Riyadh.
Trong khi đó, Saudi Arabia được cho là đang “thoát khỏi quỹ đạo của Mỹ” với việc đặt mức sản xuất dầu theo thỏa thuận với Nga. Còn với việc giảm căng thẳng với Iran, Saudi Arabia đã nhờ Trung Quốc làm trung gian thay vì Mỹ.
Như vậy, Mỹ khó có thể tiếp tục dùng tới kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) để giảm giá dầu. Lựa chọn khả dĩ còn lại là cải thiện quan hệ với Saudi Arabia.
Lựa chọn của Fed
Theo Đài CNN, giá xăng và giá lương thực tăng trong thời gian dài có thể tác động xấu đến tiến trình kiềm chế lạm phát, hoặc thậm chí đảo ngược nó, dẫn tới khả năng buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 8.
“Giá hàng hóa cao hơn có thể đồng nghĩa với lãi suất cao hơn. Giá hàng hóa tăng đột biến có thể châm ngòi cho việc tăng lãi suất và tái lập cuộc chiến giữa dầu mỏ và tiền tệ” – ông Francisco Blanch, chiến lược gia tại Bank of America, nói với Đài CNN.
Ổn định giá xăng dầu sẽ giúp kiềm chế lạm phát. Thực tế cho thấy giá dầu thế giới đã giảm 1% sau khi Fed tăng lãi suất trong tháng 7.
Nguồn: tuoitre.vn