Phụ huynh, học sinh phàn nàn chất lượng thức ăn, hiệu trưởng góp ý với doanh nghiệp thì bị doanh nghiệp dọa đánh. Chuyện thật như đùa này xảy ra ở Trường tiểu học Hùng Vương, tỉnh Sóc Trăng.
Có lần, phần canh trong buổi ăn chính còn có sâu. Rồi chén ăn cơm của học sinh còn nồng nặc mùi nước rửa chén…”
Một phụ huynh Trường tiểu học Hùng Vương
Chiều 15-10, bà Dương Thị Ngọc Diễm – trưởng Phòng GD-ĐT TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) – cho biết đã mời doanh nghiệp cung cấp suất ăn và hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương lên hòa giải sau khi người của doanh nghiệp này dọa đánh hiệu trưởng.
“Tuần tới, chúng tôi sẽ mời doanh nghiệp lên giải quyết dứt điểm vụ này. Nếu doanh nghiệp không khắc phục những điều phụ huynh phản ảnh, trường sẽ chấm dứt hợp đồng” – bà Diễm nói.
Bị dọa đánh vì… góp ý
Thầy Lâm Văn Hải – hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương – cho biết thầy mới nhận nhiệm vụ từ năm học 2016-2017.
Trường có trên 600 học sinh đăng ký học bán trú. Theo thầy Hải, trường không tự nấu mà hợp đồng với một doanh nghiệp cung cấp suất ăn hằng ngày cho trên 500 học sinh. Thời gian hợp đồng 7 năm và đã thực hiện được 5 năm.
“Đã nhiều lần phụ huynh phản ảnh tình trạng thức ăn của học sinh không được ngon, không đảm bảo đủ dinh dưỡng. Khi nhận được phản ảnh, chúng tôi có mời doanh nghiệp lại để góp ý. Không chỉ không biết lắng nghe, họ còn thách thức, lớn tiếng nặng nhẹ.
Năm học trước, có lần người đại điện của doanh nghiệp còn lên phòng tôi cự cãi, hăm dọa sẽ đánh tôi. Tôi có báo chính quyền địa phương và lãnh đạo cấp trên” – thầy Hải nhớ lại.
Anh T. có hai con đang học tại Trường tiểu học Hùng Vương. Dù trường cách nhà khoảng 500m nhưng do bận chuyện mua bán, vợ chồng anh đăng ký cho con học bán trú để ăn và nghỉ trưa tại trường. Nghe con nói thỉnh thoảng ăn thịt dai, không nuốt được, anh T. gặp ban giám hiệu để phản ảnh.
“Có lần, phần canh trong buổi ăn chính còn có sâu. Rồi chén ăn cơm của học sinh còn nồng nặc mùi nước rửa chén…” – anh T. kể lại.
Lo sợ bữa ăn mất vệ sinh, phụ huynh không cho con học bán trú nữa nên số lượng đăng ký còn 500 học sinh. “Nhiều phụ huynh gặp tôi trình bày nguyện vọng không muốn cho con mình ở bán trú để có điều kiện chăm sóc tốt hơn, tôi đều giải quyết” – thầy Hải nói.
Trừ tiền ăn vào chi phí cơ sở vật chất
Chị H., có con học Trường tiểu học Hùng Vương, phản ảnh ngoài đóng tiền bảo mẫu 90.000 đồng/tháng, học sinh bán trú đóng tiền ăn 22.000 đồng/ngày gồm một bữa ăn chính và một bữa ăn phụ.
“Nhưng không hiểu vì sao người ta lại cắt 4.000 đồng/ngày tiền ăn của các cháu để bù lại chi phí đầu tư cơ sở vật chất. Điều này thật phi lý” – chị H. bức xúc.
Về việc này, thầy Hải giải thích: “Tiền mà doanh nghiệp trích lại trong tiền ăn của học sinh được cho là do doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư nhà ăn trước đó, nên phải thu hồi. Trên thực tế, nhà trường chỉ cho mượn mặt bằng chứ không thu được đồng nào từ doanh nghiệp cung cấp thức ăn”.
Cô Trịnh Thị Nhị – hiệu phó Trường tiểu học Hùng Vương, người thường xuyên giám sát việc cung cấp thức ăn cho học sinh – nói: “Chúng tôi đã làm hết sức mình vì sức khỏe và sự an toàn của học sinh. Sau mỗi lần phản ảnh, tình hình có được cải thiện nhưng không bao lâu sau chuyện đâu vẫn vào đó”.
Ông Võ Thanh Nhàn – chủ tịch UBND TP Sóc Trăng – cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, kịp thời xử lý phản ảnh của phụ huynh, nhà trường.
Hợp đồng 7 năm do hiệu trưởng trước ký
Góp ý nhiều lần không được, sao trường không đổi qua doanh nghiệp khác? Đó là vì hợp đồng do hiệu trưởng trước đó của Trường tiểu học Hùng Vương ký với doanh nghiệp cung cấp suất ăn trong 7 năm.
Hợp đồng mà chúng tôi có được không có điều khoản xử lý như thế nào nếu doanh nghiệp cung cấp suất ăn kém chất lượng như phản ảnh của phụ huynh.
Chúng tôi đã liên lạc với giám đốc doanh nghiệp nhưng chưa có câu trả lời. Còn bà Trần Thị Lệ Hằng – người phụ trách điểm Trường tiểu học Hùng Vương của doanh nghiệp này – nói đã cố gắng phục vụ tốt nhưng do mỗi ngày phải đáp ứng trên 500 suất ăn nên không tránh xảy ra sơ suất và hứa sẽ cẩn thận hơn.
Nguồn: tuoitre.vn