Báo An ninh thủ đô điện tử ngày 16-2-2017, có đăng tin “Nghệ An: Thông tin chính thức về vụ việc phức tạp tại Giáo xứ Song Ngọc”. Nội dung bản tin cho biết: Chiều 15-2, tỉnh Nghệ An thông tin chính thức về vụ việc phức tạp tại giáo xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) liên quan đến sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa gây ra.
Ảnh minh họa
Trước đó, ngày 10-2-2017, linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu soạn thảo “thư ngỏ” kêu gọi các linh mục và cộng đoàn các giáo xứ Hiệp Thông, cầu nguyện cho giáo dân giáo xứ Song Ngọc đi gửi đơn khởi kiện Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa tại Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào ngày 14-2-2017.
Thực hiện chỉ đạo của linh mục Nguyễn Đình Thục, từ sáng sớm 14-2 có khoảng 500 giáo dân tập trung tại giáo xứ Song Ngọc để đi đến tỉnh Hà Tĩnh. Khi đến khu vực xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, lực lượng cảnh sát giao thông đã tổ chức phân làn các phương tiện tham gia giao thông khác đi vào một làn đường và đoàn giáo dân đi vào một làn đường để tránh ách tắc giao thông.
Tuy nhiên, đoàn giáo dân không chấp hành và tiếp tục đi hàng 3, hàng 4 lấn sang làn đường của xe ôtô, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, có nguy cơ làm tắc nghẽn giao thông. Lực lượng công an đã tuyên truyền, vận động giáo dân tập kết các phương tiện vào bãi đất trống bên lề đường để lãnh đạo tỉnh Nghệ An trực tiếp đối thoại với linh mục Thục và bà con giáo dân.
Trong quá trình tập kết vào bãi đất trống, linh mục Thục đã chỉ đạo dừng xe ôtô 7 chỗ ngay giữa quốc lộ 1A. Khi xe dừng, các đối tượng ngồi trong xe không chịu mở cửa buộc lực lượng cảnh sát giao thông phải cẩu xe và người ngồi trên xe để giải phóng ách tắc giao thông; một số giáo dân quá khích cố tình không chấp hành nên đã xảy ra xô xát giữa giáo dân và lực lượng công an. Lợi dụng sự việc này, linh mục Thục cho rằng mình bị lực lượng công an đánh bị thương nên đã điện thoại thông báo cho các chức sắc, giáo dân lân cận đến giúp đỡ.
Sau đó, một số đối tượng phản động, chống đối đã kích động giáo dân kéo lên quốc lộ 1A (khu vực lực lượng công an đang làm nhiệm vụ) để gây áp lực; một số đã ném gạch, đá vào lực lượng chức năng làm 16 cán bộ bị thương (trong đó có đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) và làm hư hỏng 3 xe ôtô. Cơ quan công an đã bắt giữ quả tang 21 đối tượng ném gạch, đá vào lực lượng làm nhiệm vụ…
Vậy linh mục Nguyễn Đình Thục là người như thế nào? Theo báo Nghệ An điện tử cho biết, Gioan Baotixita Thục tên đầy đủ là Nguyễn Đình Thục, sinh ngày 10-4-1978 tại xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An; thụ phong linh mục ngày 19-6-2010. Trước khi về quản giáo xứ Song Ngọc (Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu), linh mục Nguyễn Đình Thục là quản xứ Quan Lãng (xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn). Tháng 7-2012, linh mục Thục bất chấp quy định pháp luật của Nhà nước quy định về pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật ở Con Cuông, khi lực lượng chức năng vào tuyên truyền, thuyết phục thì Nguyễn Đình Thục đã tổ chức cho giáo dân chống lại, bắt giữ cán bộ chính quyền trong trụ sở, sau đó ra bản tường trình sự việc có nội dung gian dối. Sau sự việc Tổng giám mục Xã Đoài đã buộc phải chuyển linh mục Thục về giáo xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu.
Tháng 1-2013, mặc dù không liên quan số 14 thanh niên công giáo có hoạt động âm mưu lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bị bắt, xét xử nhưng Nguyễn Đình Thục đã cầm đầu một nhóm người công giáo đến quấy rối trước cổng tòa án trong phiên xét xử. Ngày 6-12-2016, Nguyễn Đình Thục sang Đài Loan với lý do đi kiện Fomorsa nhưng thực chất là móc nối với tổ chức khủng bố Việt Tân, nhận sự chỉ đạo, trợ giúp tiền bạc của linh mục Nguyễn Văn Hùng tại Đài Loan, một cốt cán của Việt Tân. Và trong khi Nhà nước đang tập trung giải quyết những hậu quả, linh mục Nguyễn Đình Thục cùng linh mục Đặng Hữu Nam, linh mục Trần Đình Lai (Hà Tĩnh), linh mục Hoàng Anh Ngợi (Quảng Bình) nhiều lần kích động, tập trung giáo dân tuần hành, biểu tình, khiếu kiện, thông qua đài, báo và các trang mạng phản động ở nước ngoài… để xuyên tạc sự thật.
Cho đến nay, không chỉ những giáo dân chân chính ở các tỉnh miền Trung, mà đồng bào cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đều thấy rõ, sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung đã được Đảng, Nhà nước ta xử lý một cách kiên quyết, tích cực và hiệu quả. Chính quyền các cấp ở các tỉnh miền Trung và đồng bào cả nước cùng chung sức hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Và ngoài những chính sách hỗ trợ trước mắt, Nhà nước cùng chính quyền các cấp còn có những chủ trương, chính sách về lâu dài, như: giải quyết bồi thường, cho vay vốn để đóng tàu công suất lớn… nhằm bảo đảm để mọi người dân phát huy ngành nghề truyền thống, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Và thực tế hiện nay cho thấy, ngư dân các tỉnh miền Trung đã ra khơi bám biển mưu sinh. Điều đáng mừng là trong chuyến ra khơi sau sự cố môi trường biển, nhiều ngư dân ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình đã trúng mùa cá thu, cá nục, cá ngừ và đặc biệt là cá hố.
Niềm vui của ngư dân miền Trung trong những ngày đầu xuân Đinh Dậu này thì người dân cả nước ai cũng thấy, những tín đồ công giáo trung thực ở miền Trung cũng biết và vui vẻ sẻ chia. Trong khi đó, một số linh mục như Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam, Hoàng Anh Ngợi, Trần Đình Lai… với chức trách là người thay mặt chúa chăn dắt đoàn chiên đã chẳng hề có một hành động nhỏ nhoi nào nhằm giúp người dân miền Trung khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường. Đã vậy, họ còn cùng một số giáo dân biến chất đã lợi dụng tín ngưỡng, núp dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”, “bảo vệ môi trường”, “bảo vệ công lý”, “bảo vệ ngư dân”… để kích động, lôi kéo những tín đồ cuồng tín nhằm mưu đồ chính trị chống phá Nhà nước để phục vụ cho những mưu đồ chính trị của các thế lực phản động, thù địch ở bên ngoài.
Không phải chỉ ở Việt Nam mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đều không ai có thể nhân danh tôn giáo để làm những điều trái lẽ thường, trái pháp luật. Bởi bất cứ ai trước khi trở thành một tín đồ tôn giáo, thì người đó phải là một công dân. Mà đã là công dân thì phải sống theo pháp luật. Đó cũng chính là một thứ đạo: Đạo làm người, đạo làm dân! Tiếc rằng điều vô cùng đơn giản này nhưng những người như linh mục Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam, Hoàng Anh Ngợi, Trần Đình Lai… và một số tín đồ quá khích lại không hiểu hoặc cố tình không hiểu!
Thanh Hải