Trong rất nhiều tin tức thời sự nóng bỏng tuần qua, câu chuyện lão nông Phạm Tấn Lực (xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) 4 năm miệt mài thu thập chứng cớ tố cáo gian lận của nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) khi thi công đường cao tốc 34.000 ngàn tỷ đồng rất đáng suy ngẫm.
Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có số vốn khổng lồ: 34.000 tỷ đồng mới thi công đã hư hỏng ở nhiều đoạn đường, gây bức xúc lớn trong dư luận thì ai cũng đã rõ rồi. Còn nguyên nhân của sự xuống cấp tệ hại của nó, nếu nhìn từ việc ông Phạm Tấn Lực tự mình làm rõ các sai phạm của nhà thầu ở riêng gói thầu A3, người ta đã có thể hiểu được nội tình câu chuyện.
Như tờ Thanh niên đã đưa tin, lão nông Phạm Tấn Lực, kể từ tháng 7/2014 khi được nhận vào làm bảo vệ tại công trường gói thầu trên (tổng vốn 1.360 tỷ đồng), đã phát hiện nhiều việc làm gian lận của nhà thầu tại gói thầu A3 như: Nhiều đoạn có nền chân đất yếu nhưng nhà thầu này chỉ bóc lớp phong hóa một cách qua loa, sử dụng vật liệu không đảm bảo chất lượng để thi công nền đường…
Nghĩ rằng, phải có trách nhiệm trước những làm việc gian dối ấy, gạt bỏ ngoài tai những lời châm biếm “đã nghèo lại muốn làm anh hùng”, ông lão 59 tuổi này đã tự mình điều tra, thậm chí ông đã tự bỏ tiền mua máy ảnh, chụp lại tất cả những hình ảnh “chướng tai, gai mắt” mà nhà thầu Trung Quốc đang làm ở một công trình đi qua quê mình, góp nhặt từng bằng chứng để hoàn chỉnh bộ hồ sơ tố cáo.
Nhiều người công nhân khác từ chỗ bàng quan, ngại dây dưa đã thấy việc làm của ông có ý nghĩa và giúp ông thu thập đầy đủ bằng chứng cho thấy nhà thầu nước ngoài đã gian lận trắng trợn khi thi công ở nhiều địa điểm: Chỉ cho xe ủi qua loa trên mặt còn đầy cây cối, ăn gian bóc lớp đất phong hóa rồi cho đổ vật liệu không đạt chuẩn; ăn gian chất lượng, khối lượng vật liệu thi công; sử dụng rất ít xe lu theo yêu cầu…Thậm chí, nguy hiểm hơn, nhà thầu Giang Tô còn đổ bùn để làm nền đường cao tốc- loại bùn đất mà ngay cả đường dân sinh dân đi cũng không được phép làm.
Khi biết những việc làm của ông Lực, nhà thầu đã không mua chuộc được (đề nghị vẫn trả lương mà cho ông nghỉ ở nhà, không cần đến công trường), còn thuê người dọa giết… Nhưng ông Lực không chấp nhận, vẫn quyết tâm tố cáo nhà thầu này đến các cơ quan chức năng.
Có thể nói, đây là một trong số rất ít những công dân có tinh thần trách nhiệm rất cao trong việc đấu tranh chống tiêu cực. Điều đáng quý nữa là công dân này còn biết cách tố cáo, đấu tranh có phương pháp, bài bản mà không cần ai đào tạo. Từ việc phát hiện, đến cách chụp ảnh, lưu trữ từng bằng chứng rất chắc chắn để chứng minh nội dung mình tố cáo là đúng, ông Lực đã khiến cho bất cứ ai quan tâm đến sự việc phải đồng tình và nhận thấy rõ gian lận trắng trợn của nhà thầu Giang Tô.
Đáng tiếc, đáp lại tấm lòng, sự cố gắng rất đáng quý của ông Lực, đến nay, mới chỉ có động tác của chủ đầu tư là Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) từ chối giám đốc nhà thầu thi công, còn thì chưa có một động thái nào đáng kể từ cơ quan chức năng để tiếp nhận tố cáo của ông Lực để điều tra vụ việc có thể nói là rất nghiêm trọng ở gói thầu có qui mô khá lớn này.
Và đáng nói hơn nữa, trong khi báo chí, dư luận sôi sục vì một công trình qui mô hàng chục ngàn tỷ đồng mới hoàn thành được vài tháng đã hư hỏng, quá lãng phí và đáng xót xa, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu các câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm về sự việc này, tại phiên chất vấn trên nghị trường Quốc hội vừa qua, theo ghi nhận của báo chí, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã không trả lời các câu hỏi đó.
Qua sự việc trên mới thấy rằng, người ta vốn tưởng như là lãnh đạo của một ngành thì người đó phải có trách nhiệm cao nhất với công việc quản lý của ngành mình, phải chủ động phát hiện, kịp thời khắc phục những yếu kém nhưng hóa ra, có ngành, người lãnh đạo đã không thể hiện được điều đó. Và rõ ràng, về những bê bối ở dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, ai cũng thấy, một công dân nghèo, rất bình thường lại có trách nhiệm với đồng tiền của ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân cao hơn cả nhà quản lý.
Theo Dân Trí