Đợt về quê lần này, tôi rất vui vì sẽ được dự lễ ăn hỏi của đứa cháu họ. Mới ngày nào con bé còn giành đồ chơi với mấy đứa con tôi, thế mà nay đã phổng phao xinh đẹp. Tốt nghiệp đại học Hồng Đức, vẩn vơ một năm ở nhà chẳng biết làm gì, anh họ tôi sốt ruột xin cho cháu vào làm hợp đồng văn thư đánh máy tại ủy ban xã, nghe nói tốn hết một chiếc xe tay ga. Họ hứa khi có chỉ tiêu tuyển dụng sẽ ưu tiên trước. Thôi thế cũng được, miễn nó có công việc ổn định để kiếm một tấm chồng – chị dâu tôi nói thế.

Từ bao đời nay, người dân quê tôi chủ yếu sống bằng nghề nông. Thế nhưng bây giờ ruộng đồng đã chuyển mục đích sử dụng gần hết để xây dựng các khu công nghiệp nên mỗi hộ chỉ còn vài ba sào đất. Anh chị tôi túc tắc làm cũng xong, thời gian nông nhàn thì bưng thúng ra chợ “hâm” lại vài món hàng kiếm thêm đồng thức ăn mỗi ngày. Thế nên muốn thoát cảnh sớm hôm phơi mặt ngoài đường, ngoài chợ thì những gia đình ít con như anh chị tôi phải bằng mọi cách “chạy” cho con một suất biên chế nhà nước. Thằng anh đã kiếm được một chân thu tiền nước ở công ty thủy nông của huyện, trọn gói hết hai con trâu đẻ. Anh tôi nói hồi đó còn “rẻ” chứ bây giờ bốn con trâu chưa chắc đã vào được. Lương sản phẩm, nghĩa là thu được nhiều thì hưởng nhiều, không thu được thì đừng lĩnh lương. Thế nên ngoài việc ăn cơm nhà, hằng tháng anh chị tôi còn phải phụ thằng anh hai trăm ngàn tiền xăng xe. Cũng may, mấy sào đất hương hỏa cùng sự cần mẫn của chị dâu tôi nên mùa nào thức nấy, lúc nào cũng có vài thứ mang ra chợ bán.

Dắt xe vào sân, tôi hồ hởi: Cái Thúy đâu, chuẩn bị được gì để đón nhà trai rồi? Nhưng chẳng nghe tiếng trả lời. Bước qua ngạch cửa, thấy anh chị tôi ngồi trên hai cái ghế đẩu. Nhà tối om mà không ai bật đèn. Trên bậu cửa buồng, cô cháu gái hai mắt sưng mọng. Chẳng đợi tôi hỏi, anh tôi giãi bày, đợt tuyển dụng vừa rồi, cái Thúy không được vào biên chế nên nhà trai xin hoãn việc ăn hỏi. Hoãn đến bao giờ? Anh tôi lắc đầu. Tiếng nấc của Thúy to hơn. Chị tôi thở dài: Thằng Hùng (người yêu của Thúy) đã vào biên chế rồi nên bên ấy đòi cái Thúy cũng phải vào biên chế mới cưới. Tôi bật cười: Thế thằng Hùng nó lấy vợ hay tuyển công chức? Nhưng chẳng ai hưởng ứng câu đùa của tôi. Lòng dạ ai cũng đang rối bời vì cái sự éo le lại rơi đúng nhà mình.

Thúy sụt sịt kể, cùng đợt thi rớt công chức với nó, có mấy trường hợp cũng bị hủy hôn ước. Cô bạn cùng lớp đại học với Thúy đang làm hợp đồng cho hội nông dân huyện, cha mẹ đã muối mặt sang nhà trai cam kết sau khi cưới, nhà gái sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn việc lo cho con mình vào biên chế, nhưng nhà trai không chấp nhận. Thế là hai người trẻ chia tay nhau. Và chàng trai đã có chân trong biên chế nhà nước lại bắt đầu một hành trình đi tìm ý trung nhân trong biên chế.

Những trường hợp đáng buồn như chuyện đứa cháu họ ở quê tôi chẳng hiếm. Đất chật, người đông, mùa màng thất bát, những người trẻ chẳng ai muốn gắn bó với ruộng đồng. Thế nên có nhiều trường hợp tốt nghiệp đại học Luật, đại học Khoa học xã hội nhân văn, tốn công sức, tiền của trong suốt 4 năm trời nhưng đành chấp nhận làm nhân viên văn thư đánh máy cho ủy ban xã với đồng lương hợp đồng không đủ đi đám cưới.

Về quê lần này, tôi không còn coi thường cái nghề “cạo giấy” ăn lương tháng nữa. Biết bao người lo quay lo quắt mà có vào được biên chế như tôi đâu!

Theo: BPO

Từ khóa : cạo giấycặp trâucông chứcnhà gáinhà traituyển dụng

Các tin liên quan đến bài viết