Vấn đề Myanmar cuối cùng cũng đã hé lộ ánh sáng cuối đường hầm sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN hôm 24-4 ở Indonesia, khi Thống tướng Min Aung Hlaing cho phép ASEAN giữ vai trò trung gian trong việc giải quyết vấn đề Myanmar.

Chờ hành động của thống tướng Myanmar - Ảnh 1.

Thống tướng Min Aung Hlaing đến Jakarta, Indonesia tham gia cuộc họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo ASEAN 

Mặc dù kết quả hội nghị không làm hài lòng bà Aung San Suu Kyi, các đồng minh của bà và những người ủng hộ dân chủ, nhưng ASEAN và Thống tướng Min Aung Hlaing cảm thấy hai bên đã đạt được cái gì đó cho riêng mình.

Cả hai cùng “ghi điểm”

Đối với giới quân đội Myanmar, họ đã đạt được một số mục tiêu của họ. Thứ nhất, bằng việc được mời tới tham gia Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, chính quyền quân sự đã được cộng đồng khu vực chấp nhận họ là đại diện hợp pháp cho đất nước Myanmar, thay thế cho chính quyền dân sự của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và đồng minh của bà, Tổng thống Win Myint.

Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh khu vực đã lắng nghe quan điểm chính thức của giới quân đội Myanmar, khi họ được quyền trình bày những diễn tiến xảy ra vụ mất ổn định dưới lăng kính của họ.

Thứ hai, bằng việc đồng ý cho phép phái đoàn ASEAN tới Myanmar trong thời gian sắp tới, chính quyền quân sự Myanmar (Tatmadaw) tạo cơ hội cho cộng đồng quốc tế tin vào thiện chí mong muốn giải quyết vấn đề Myanmar bằng biện pháp hòa bình của họ.

Điều này phản bác lại những khắc họa tiêu cực của truyền thông phương Tây về chính quyền quân sự.

Điểm quan trọng thứ ba là chính quyền quân đội Tatmadaw không phải nhượng bộ quá nhiều trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

Thống tướng Min Aung Hlaing chỉ tuyên bố rằng ông sẽ lắng nghe những lời kêu gọi từ các quốc gia ASEAN và tuyên bố của chủ tịch ASEAN vốn mang tính chất thông cáo hơn là một giải pháp cụ thể.

Ông Min Aung Hlaing khôn ngoan khi không đưa ra một cam kết mang tính ràng buộc nào đối với chính quyền của ông.

Về phần ASEAN, tổ chức khu vực đa phương này thể hiện họ vẫn còn giữ vai trò trung tâm trong khu vực. ASEAN đã thành công trong việc thuyết phục được chính quyền quân sự để tổ chức này giữ vai trò trung gian giải quyết vấn đề Myanmar.

ASEAN cũng đã “ghi điểm” khi là một thiết chế quốc tế duy nhất hiện nay có thể tiếp cận với chính quyền quân sự Myanmar, và đặt ra những viên gạch đầu tiên cho tiến trình giải quyết vấn đề ổn định chính trị và dân chủ ở Myanmar vốn vẫn còn xa ở phía trước.

Lạc quan trong thận trọng

Mặc dù có thể lạc quan về tương lai khu vực cũng như vai trò trung tâm của ASEAN, nhưng chúng ta cũng nên nhớ bài học quá khứ rằng chính quyền quân sự Myanmar đã từng nắm giữ quyền lực trong khoảng 50 năm từ 1962 cho đến 2011 trước khi chủ động chấp nhận ý nguyện của dân chúng trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2010.

Sau 10 năm thử nghiệm “dân chủ hóa”, họ đã thay đổi quan điểm. Quân đội đã quay lại sau khi “thấm thía” mất quyền lực. Chính vì vậy, có lẽ họ sẽ không dễ dàng “buông bỏ” quyền lực, đặc biệt khi hiện nay họ có được sự chấp thuận của khu vực về tính chính danh của chính quyền.

Chủ thể chính trong vấn đề chính trị dân chủ Myanmar là dân thường thì vẫn tiếp tục thể hiện chính kiến của họ trên đường phố, thay vì trên bàn đàm phán trong phòng họp.

Điều an ủi cho người dân là các nhà lãnh đạo ASEAN, bao gồm Thống tướng Min Aung Hlaing, đồng ý cần chấm dứt bạo lực ngay lập tức và bắt đầu các cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên ở Myanmar dưới sự trung gian của tổ chức ASEAN.

Tuy nhiên, vấn đề không hề đơn giản khi các nhóm chống đối chính quyền quân sự đã liên kết với nhau.

Các phong trào biểu tình bất tuân dân sự của các nhóm chính trị đòi khôi phục chính quyền dân cử đang có sự hỗ trợ từ các tổ chức bán quân sự vũ trang của các nhóm dân tộc thiểu số như Liên minh quốc gia Karen (KNU) và Quân đội độc lập Kachin (KIA).

Các nhóm dân tộc thiểu số này bỏ qua sự thất vọng của họ đối với chính quyền của bà Suu Kyi về vấn đề người thiểu số Rohingya phải tị nạn ở Bangladesh để liên minh với nhóm ủng hộ bà Suu Kyi.

Do đó, nếu ASEAN không thể ép buộc chính quyền Tatmadaw nghiêm chỉnh chấm dứt sớm các hành động bạo lực, số người chết cũng như người bị mất chỗ ở do phải di tản sẽ tăng nhanh, gây áp lực lớn đối với chính quyền các nước láng giềng như Thái Lan và Bangladesh.

Ngoài một số thành tựu bước đầu thì vấn đề là liệu phương thức ASEAN với cơ chế đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ lẫn nhau có thể giúp tổ chức ASEAN tiếp tục thể hiện tốt vai trò trung gian của mình trong việc điều phối các cuộc thương lượng đàm phán giữa các phe phái khác nhau ở Myanmar trong thời gian sắp tới hay không. Nhưng trước hết, chúng ta cần chờ xem hành động cụ thể của Thống tướng Min Aung Hlaing.

Đồng thuận 5 điểm

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra đồng thuận 5 điểm, bao gồm:

– Chấm dứt bạo lực.

– Đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên ở Myanmar.

– Cử đặc phái viên của chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại.

– Cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.

– Chuyến thăm của đặc phái viên và phái đoàn ASEAN tới Myanmar.

Số người chết do liên quan đến các cuộc xung đột biểu tình đã lên đến hơn 700 người, và hơn 250.000 người bị mất chỗ ở.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : ASEANKhủng hoảng MyanmarmyanmarThống tướng Myanmar

Các tin liên quan đến bài viết