Góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, đánh đuổi giặc Minh xâm lược hồi thế kỷ XV, có sự đóng góp công lao không nhỏ của những người dân thường thầm lặng. Và người phụ nữ đỡ đẻ trong câu chuyện dưới đây là một trong những người vĩ đại ấy.
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ vào mùa xuân năm Mậu Tuất (1418), từ đó cho đến năm Quý Mão (1423), quân Lam Sơn chỉ hoạt động quanh quẩn ở vùng núi Thanh Hóa, bị quân Minh nhiều lần đánh bại, tình thế vô cùng khó khăn. Vào thời điểm đó, tướng Nguyễn Chích đã hiến kế với Lê Lợi rằng: Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông. Tôi đã từng qua lại Nghệ An nên rất thông thuộc đường đất. Nay hãy đánh trước lấy Trà Lân, chiếm cho được Nghệ An để làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực, tài lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Quan thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ.
Chấp thuận kế hoạch của Nguyễn Chích, Lê Lợi đã quyết định tiến quân vào Nghệ An và công việc quan trọng bậc nhất là phải tiêu diệt được đồn Đa Căng (nay thuộc xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa). Đây là đồn lũy trấn giữ vị trí hiểm yếu nên quân Minh bố trí lực lượng rất mạnh do tên chủ tướng Lương Nhữ Hốt chỉ huy. Bọn giặc rất cảnh giác, chúng không cho bất kỳ ai đến khu vực quanh đồn và tổ chức canh giữ nghiêm ngặt, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Muốn chiếm được đồn giặc này cần phải có lực lượng lớn, nếu hạ được đồn thì tổn thất sẽ không thể tính được, điều đó khiến bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn lo lắng, phân vân. May mắn thay, theo nghĩa quân hoạt động trong vùng này từ trước cho biết, có một người có thể làm nội ứng giúp chiếm đồn Đa Căng, người đó là một bà lão làm nghề đỡ đẻ, thường được gọi là mụ vườn.
Thấy bà già yếu không có khả năng làm gì hại chúng được nên giặc Minh cho phép bà ra vào đồn trại để lo việc hầu hạ, chăm sóc vợ con tướng giặc khi sinh nở. Nhưng chúng đâu ngờ rằng bà cụ lại là tình báo của nghĩa quân, thường xuyên liên lạc cung cấp thông tin trong đồn cho quân ta. Khi nhận được lệnh phải để ý cách canh phòng của quân địch, để bố trí lực lượng phục vụ cuộc tấn công sắp tới, mụ vườn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Biết rõ được nội tình của giặc, quân Lam Sơn do Lê Lợi trực tiếp chỉ huy tổ chức đánh úp đồn Đa Căng vào ngày 20-9 năm Giáp Thìn (tức ngày 12-10-1424) và giành được thắng lợi lớn. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: Mùa thu, tháng 9, ngày 20, Lê Lợi chỉ huy quân và voi đánh úp đồn Đa Căng, phá được đồn này. Tham chính nhà Minh là Lương Nhữ Hốt chỉ chạy thoát được thân mình, ta thu hết khí giới, đốt phá đồn giặc.
Đô chỉ huy sứ nhà Minh khi đó là Nguyễn Suất Anh hay tin nên đem quân đến cứu viện, nhưng đồn đã mất. Suất Anh chưng hửng, không chỗ bấu víu, Lê Lợi lại đánh bại chúng. Suất Anh chạy vào thành Tây Đô. Vợ con của Suất Anh bị ta bắt được, Lê Lợi đều tha cho về. Theo sách “Lam Sơn thực lục”, trong trận này “ta đánh thắng, giặc thua to, chạy vào Tây Đô”, “giặc bị chém đầu và chết đuối hơn 1.000 tên”.
Chiến thắng đó đã khai thông đường tiến vào Nghệ An, giúp quân ta liên tiếp hạ được các thành lũy, đồn trại của giặc và chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm kể từ khi thực hiện kế hoạch của Nguyễn Chích, quân Lam Sơn làm chủ cả vùng rộng lớn từ Thanh Hóa vào Thuận Hóa, cho thấy hiệu quả của việc thay đổi chiến thuật này rất lớn.
Chuyện kể rằng sau trận hạ đồn Đa Căng, Lê Lợi ban thưởng lớn cho nghĩa quân, công đầu thuộc về mụ vườn. Ông còn cho đổi tên Đa Căng – nghĩa là khoe nhiều như bọn giặc từng tự đắc về lực lượng của chúng, đặt lại thành Bất Căng – nghĩa là không sợ, cũng có nghĩa là không khoe được.
Ngày nay tại làng Bất Căng còn một số dấu tích liên quan như cồn Bà Già là nơi chôn cất mụ vườn sau khi bà mất, nền đồn lính của quân ta gọi là Phong Bái, đường quân ta đi gọi là Vân Lộ đều mang ý nghĩa phong vân đắc lộ, đường mây gặp gió, thênh thang tiến bước đi đến chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn.
Lời bàn:
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi không những đã kết thúc 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh (Trung Quốc), mà còn chấm dứt 10 năm trường kỳ kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Đại Việt thời ấy. Đồng thời, mở ra một thời kỳ phát triển mới của dân tộc dưới thời Lê sơ. Và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ mở đầu tới kết thúc thắng lợi (tháng 12-1427), qua các giai đoạn phát triển và chiến lược, chiến thuật của nó đã chứng minh Lê Lợi là người có tầm vóc của một thiên tài, một nhân cách vĩ đại, chỉ thấy ở những lãnh tụ mở đường, khai sáng.
Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố quyết định đến thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, mà trước hết và trên hết đó là do nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, quyết tâm giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Từ lòng yêu nước, tất cả tầng lớp nhân dân không phân biệt già trẻ, nam nữ, các thành phần dân tộc đều đoàn kết đánh giặc, hăng hái tham gia kháng chiến, gia nhập lực lượng vũ trang, tự vũ trang đánh giặc, ủng hộ, tiếp tế lương thực cho nghĩa quân. Và bà mụ vườn trong giai thoại trên là minh chứng hùng hồn nhất. Truyền thống quý báu ấy của tổ tiên phải được hậu thế muôn đời gìn giữ, phát huy có hiệu quả trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn: baobinhphuoc.com.vn