Việc tranh cãi đội tuyển U20 Việt Nam thành công hay không thành công thật ra là… thừa, bởi chúng ta có đại diện dự một VCK World Cup theo lứa tuổi đã là lịch sử rồi. Vấn đề không ở đâu người ta đem các đội tuyển trẻ ra để đánh giá trình độ thực của một nền bóng đá.
HLV Hoàng Anh Tuấn không đáng bị chỉ trích sau khi đội tuyển U20 Việt Nam không thể vượt qua vòng bảng World Cup U20, vì đấy là kết quả vốn đã được nhìn thấy từ trước, rằng sân chơi World Cup là sân chơi quá tầm với bóng đá Việt Nam.
Đã biết là quá tầm thì việc tranh cãi đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn thành công hay không thành công ở giải đấu nói trên hoá ra vô ích. Chỉ xét ở khía cạnh, với bóng đá Việt Nam, việc có đại diện tham dự VCK World Cup, dù là World Cup theo lứa tuổi đã là cột mốc lịch sử.
Tuy nhiên, không ở đâu trên thế giới, người ta đánh giá chất lượng và đẳng cấp của một nền bóng đá thông qua các đội tuyển trẻ, nên việc so sánh lứa cầu thủ này hơn lứa cầu thủ kia càng là điều không nên.
Đặc thù của bóng đá trẻ là thiếu ổn định, ví dụ như Pháp từng thắng tưng bừng Italia ở giải U19 châu Âu năm ngoái, nhưng đến World Cup U20 năm nay, chính đội Italia của năm vừa rồi lại đánh bại Pháp tại vòng 1/8. Hoặc Việt Nam có đại diện dự VCK World Cup U20, còn Thái Lan thì không, nhưng chẳng ai dám nói chất lượng của bóng đá Việt Nam đã hơn bóng đá Thái Lan!
Mỗi một lứa tuổi trẻ đều có những đặc thù khác nhau, và một nền bóng đá tốt, với những nhà quản lý có tầm nhìn xa là một nền bóng đá biết hòa trộn những thế hệ cầu thủ khác nhau, với những ưu điểm khác nhau, khi họ trưởng thành, để tạo nên một đội tuyển quốc gia mạnh.
Một nền bóng đá có chiều sâu là một nền bóng đá có nhiều thế hệ trẻ nối tiếp nhau, với năng lực ở mức hứa hẹn. Chính vì thế, chuyện đem so lứa Công Phượng và các đồng đội với lứa cầu thủ vừa được dẫn dắt bởi HLV Hoàng Anh Tuấn lọt vào VCK World Cup U20 năm 2017 càng là điều không nên.
Những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… có những điểm mạnh riêng của họ. Tương tự như thế, các cầu thủ của HLV Hoàng Anh Tuấn cũng vậy.
Trên bước đường phát triển, bản thân nhiều cầu thủ thuộc từng thế hệ cũng phải chấp nhận quy luật cạnh tranh, quy luật đào thải: Chỉ có những người tốt nhất mới vươn đến đẳng cấp cao nhất là đội tuyển quốc gia.
Thế nên, chuyện bê nguyên si lứa này, loại bỏ hoàn toàn lứa kia để tham dự các giải đấu quốc tế là điều cần hết sức tránh, và thiết nghĩ không cần phải tranh cãi. Chuyện không đáng tranh cãi ở chỗ mọi đội tuyển trên khắp thế giới là nơi tập hợp những cầu thủ tốt nhất của từng nền bóng đá, trong thời điểm đội tuyển được tập trung, chứ không phải là chỗ cho một thế hệ cầu thủ duy nhất thi đấu năm này qua năm khác.
Bởi, thành công hoặc gây tiếng vang ở các giải trẻ không đồng nghĩa với việc sẽ đương nhiên toả sáng ở sân chơi đỉnh cao về sau. Bằng ngược lại, với những nhà chuyên môn, những nhà quản lý vẫn mang trong mình tư tưởng đấy, sẽ càng bộc lộ tư tưởng “quân anh, quân tôi”, chứ không thể hiện việc hướng đến cái chung của toàn bộ làng cầu.
Một số nhà quản lý và nhà chuyên môn của bóng đá nội ít ngày gần đây sa vào những tranh cãi không đáng có vừa nêu, mà quên mất rằng con đường phát triển tốt nhất cho các cầu thủ trẻ là con đường phát triển theo đúng trình tự, lộ trình khoa học, thay vì có sự can thiệp của người lớn theo kiểu “quân anh, quân tôi”.
Phản biện luôn là điều cần trong bóng đá, giúp bóng đá phát triển, nhưng với điều kiện đấy là những ý kiến phản biện mang tính xây dựng, chứ không phải là màn đấu khẩu theo dạng lời qua, tiếng lại!
Nguồn: dantri.com.vn