Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, tổng biên chế công chức năm 2022 không tăng thêm biên chế mới nào.

Theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngày 22/9, tổng biên chế công chức năm 2022 là 256.685.

Bao gồm biên chế của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước và biên chế công chức dự phòng.

So sánh với năm 2021, tổng biên chế công chức năm 2022 nhiều hơn 7.035 biên chế.

Bộ trưởng Nội vụ lý giải tổng biên chế năm 2022 thêm hơn 7.000 công chức
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Trước ý kiến thắc mắc về việc cả nước đang thực hiện tinh giản biên chế nhưng năm sau tổng biên chế lại tăng 7.035 người, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: “Con số 7.035 biên chế công chức không phải là biên chế bổ sung mới”.

Theo lý giải của Bộ trưởng Nội vụ, đó là số biên chế công chức được chuyển từ công chức phường tại các phường không tổ chức HĐND thành công chức quận ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Ba thành phố này đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ cũng đã ban hành 3 Nghị định 32, 33, 34 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết của Quốc hội.

Theo đó, biên chế công chức làm việc tại UBND phường của Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng.

Do đó, số biên chế công chức này không còn tính là biên chế công chức cấp xã và được tính vào tổng biên chế công chức năm 2022. Vì vậy, con số 7.035 không phải là biên chế mới được bổ sung nên không thể gọi là “tăng biên chế”.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, nếu không tính số biên chế công chức được chuyển này thì tổng biên chế năm 2022 vẫn như năm 2021.

Bộ Tài chính nhiều biên chế nhất

Theo quyết định của Thủ tướng, trong 106.890 biên chế công chức của các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập (không phải là đơn vị sự nghiệp công lập) thì Bộ Tài chính đông biên chế nhất với 66.835 công chức.

Kế đến là Bộ Tư pháp có 9.574 biên chế, Bộ Công Thương có 6.451, Bộ KH-ĐT với 6.096, Ngân hàng Nhà nước có 5.181 biên chế…

Trong các bộ ngành, Ủy ban Dân tộc ít biên chế nhất với 243 công chức, kế đến là Bộ Xây dựng 357, Bộ Y tế 541, Bộ Nội vụ có 583 biên chế…

Cơ quan ít biên chế nhất là Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có 20 công chức, kế đến là Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia với 75 người, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 126 biên chế.

Trong 140.832 biên chế công chức của các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện thì TP.HCM đông biên chế nhất với 10.869 công chức, kế đến Hà Nội 10.560, Thanh Hóa có 3.698 biên chế. Hà Nam là địa phương có ít biên chế nhất với 1.268 người.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : biên chếcông chứcPhạm Thị Thanh Trà

Các tin liên quan đến bài viết