Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, thị trường dần bị thu hẹp buộc Trung Quốc tìm kiếm các cơ hội kinh tế mới theo kế hoạch “Hướng Tây”.
Theo South China Morning Post, hồi tháng 7/2013, tại cảng Khâm Châu nằm ở phía tây nam Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tóm tắt kế hoạch của chính phủ nước này nhằm xử lý cú sốc kinh tế đối ngoại sắp tới.
Khi xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu suy giảm vào thời điểm đó, Trung Quốc tìm cách sử dụng các cảng như Tần Châu để khai thác những thị trường mới nổi ở phía tây nước này. “Khi phía đông tối, phía tây sẽ sáng”, ông Lý tuyên bố.
7 năm sau, Trung Quốc một lần nữa hướng về phía tây để tìm cách ổn định nền kinh tế khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang dữ dội, khiến nước này lao đao.
Kế hoạch phát triển miền Tây từng được Trung Quốc triển khai hồi năm 1999 nhưng thất bại. |
“Khi phía đông tối, phía tây sẽ sáng”
Trung Quốc đang đối mặt với mối đe dọa phân ly kinh tế với Mỹ và làn sóng phản đối của hàng loạt quốc gia vì cách Bắc Kinh xử lý đại dịch Covid-19. Trong hoàn cảnh đó, quốc gia 1,4 tỷ dân tìm cách khai thác khu vực phía tây rộng lớn giàu năng lượng.
Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch “Hướng Tây” hồi tháng trước, kêu gọi tập trung phát triển các tỉnh miền trung và miền tây để đối phó với nguy cơ bị cô lập địa chính trị và tăng trưởng lao dốc.
Giáo sư kinh tế Gong Gang thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Vân Nam nhận định Trung Quốc không thể tiếp tục là “một quốc gia ngoại vi trong hệ thống coi Mỹ là trung tâm”.
“Thay vào đó, Trung Quốc cần ưu tiên các quốc gia thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và các nước đang phát triển để xây dựng một hệ thống mới với chính Trung Quốc là trung tâm. Trung Quốc cần chuyển sang xuất khẩu NDT thay vì tích lũy USD và xuất khẩu giá rẻ”, ông Gong nhấn mạnh.
Theo South China Morning Post, 40 năm trước, Trung Quốc đã chớp thời cơ từ thị trường tài chính quốc tế và hệ thống tài chính do Mỹ thống trị. Điều này đặt nền móng cho phép màu kinh tế của quốc gia tỷ dân.
Kế hoạch “Hướng Tây” của Trung Quốc bao gồm một loạt dự án phát triển cơ sở hạ tầng như sân bay, đường sắt và các dự án năng lượng |
Các khu vực ven biển, đặc biệt là đồng bằng châu thổ sông Châu Giang và đồng bằng sông Dương Tử, hưởng lợi chủ yếu và trở thành những khu vực phát triển nhất đất nước, bỏ xa các khu vực khác.
Để giảm bớt tình trạng bất bình đẳng khu vực, chính phủ Trung Quốc đã rót khoản tiền lớn vào Chiến lược Phát triển Miền Tây đầu tiên hồi năm 1999 nhưng không mấy hiệu quả.
Đối với kế hoạch mới, Bắc Kinh công bố một loạt dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm sân bay, đường sắt và các dự án năng lượng, đồng thời khuyến khích tái xây dựng ngành công nghiệp. Tổng cộng 12 tỉnh và khu vực – chiếm 75% lãnh thổ và 25% dân số Trung Quốc – sẽ tham gia kế hoạch này.
Kết hợp với Vành đai và Con đường
Các kế hoạch này sẽ kết hợp với Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Bắc Kinh. Sáng kiến nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc thông qua mạng lưới dự án cơ sở hạ tầng liên kết với các nước châu Á, châu Âu và châu Phi.
“Chúng tôi sẽ đưa các khu vực miền tây vào sáng kiến Vành đai và Con đường cùng những kế hoạch tham vọng khác trong khu vực để hình thành một thị trường quốc gia hợp nhất và nền kinh tế định hướng xuất khẩu cao cấp hơn”, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia khẳng định.
Một nguồn tin từ Bắc Kinh của South China Morning Post cho biết đây là phản ứng trực tiếp với những bất ổn quốc tế đang gia tăng mà chính quyền Trung Quốc phải đối mặt.
“Các nhà hoạch định kinh tế thường nghĩ về ba câu hỏi chiếc lược trước khi lập kế hoạch. Đó là ‘Tình hình quốc tế có ổn định hay không?’, ‘Nó có tốt cho Trung Quốc hay không?’, ‘Sẽ có hòa bình hay chiến tranh?’”, nguồn tin tiết lộ. Người này có liên quan đến công việc phát triển chiến lược của kế hoạch “Hướng Tây”.
“Kế hoạch 5 năm sắp tới có thể cho thấy sự song hành của cơ hội và thách thức. Nhưng nó cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc biến khủng hoảng thành cơ hội và tìm mọi cách tránh chiến tranh”, người này nói thêm.
Kế hoạch “Hướng Tây” của Trung Quốc sẽ kết hợp với sáng kiến Vành đai và Con đường. |
Dấu hiệu điều chỉnh chính sách của Trung Quốc được thể hiện trong kế hoạch chống lại xung đột thương mại và công nghệ với Mỹ. Mùa hè năm ngoái, các cụm thành phố lần đầu được chính phủ Trung Quốc coi là nền tảng chính để tạo ra sự tăng trưởng mới bao gồm khu vực Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc, đồng bằng sông Dương Tử và khu vực đồng bằng sông Châu Giang, bao gồm Thâm Quyến, Quảng Châu và Hong Kong.
Các cụm phía tây gồm Thành Đô và Trùng Khánh cũng được bổ sung vào tháng 1. Trong chuyến thăm tỉnh miền tây Thiểm Tây hồi cuối tháng 4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi Đại học Xi’an Jiaotong vì chuyển địa điểm từ Thượng Hải về phía tây vào những năm 1950.
Còn nhiều nghi ngờ
“Trong mối quan hệ tam giác, Đông Á đóng vai trò trung tâm sản xuất, châu Âu và Mỹ là thị trường tiêu dùng và trung tâm tài chính, còn Trung Đông và Mỹ Latinh là cơ sở năng lượng”, SCMP dẫn lời ông Wang, cựu Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, nhận định.
“Quan hệ tam giác này đã chứng kiến sự điều chỉnh có hệ thống sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”, ông Wang cho biết.
“Sự điều chỉnh đã được thể hiện trong cuộc xung đột thương mại do Mỹ khởi xưởng và chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của quốc gia này”, ông nhấn mạnh. Theo ông Wang, Trung Quốc cần nghiên cứu thêm về cách nắm bắt các thị trường mới nổi, các nước đang phát triển và khu vực kinh tế Vành đai và Con đường.
Có một số dấu hiệu thuận lợi cho những nỗ lực hướng về miền tây của Trung Quốc. Chẳng hạn như khu vực phía tây ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hơn. Ngoài ra, miền tây cũng là điểm khởi đầu thương mại với Đông Nam Á – khu vực mới vượt qua châu Âu trở thành điểm đến hàng đầu cho hàng xuất khẩu Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2020.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hoài nghi về cách chính phủ Trung Quốc giải phóng tiềm năng tăng trưởng của các tỉnh miền tây rộng lớn và kết nối với các thị trường mới nổi và thị trường châu Âu.
Nhiều người hoài nghi kế hoạch “Hướng Tây” của Trung Quốc. |
Kế hoạch phát triển năm 1999 đã không giúp các khu vực phía tây phát triển kinh tế mạnh mẽ. Các chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi liệu kế hoạch mới có thể tạo ra kết quả tốt hơn.
Sau 7 năm phát triển, cảng Tần Châu vẫn là một cảng nhỏ so với các cảng khác. Cảng xử lý khoảng 119 triệu tấn hàng hóa trong năm 2019, chỉ bằng khoảng 1/10 cảng Ninh Ba – Chu San, 1/6 cảng Thượng Hải và 1/5 cảng Quảng Châu.
“Tôi không nhìn ra kết quả của việc này. Bắc Kinh có thể không đủ khả năng để chi trả. Và tất cả những gì nhận lại chỉ là nợ nần và các dự án voi trắng (các dự án tốn kém nhưng không hiệu quả) mà thôi”, chuyên gia Fraser Howie, đồng tác giả cuốn The Fragile Financial Foundations of China’s Extraordinary Rise nhận định.
Nguồn: vietnamnet