Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố dự thảo “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” để lấy ý kiến rộng rãi của các cấp, ngành ở Trung ương, địa phương và nhân dân cả nước. Ngay sau đó, dự thảo đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận, nhất là cộng đồng mạng xã hội. Bởi khi những quy tắc này được thông qua sẽ là cơ sở quan trọng để nâng cao trách nhiệm, giá trị đạo đức, văn hóa của nghệ sĩ trước công chúng, trong xã hội và hoạt động nghề nghiệp. Đồng thời, những quy tắc này còn là khuyến cáo quan trọng để giới nghệ sĩ cũng như người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật ứng xử đúng chuẩn mực khi hoạt động nghề nghiệp và trong ứng xử đối với công chúng, xã hội nói chung.
MC Trấn Thành công khai bản sao kê 1.000 trang về việc làm từ thiện – Ảnh: Thanhnien.vn
Minh bạch trong các hoạt động xã hội
Một trong những nội dung được dư luận đồng tình cao là dự thảo đã đưa ra quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Theo đó, nghệ sĩ phải tích cực trong các hoạt động xã hội, có nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng. Đồng thời, có lối sống trong sáng, lành mạnh, giữ gìn hình ảnh, tác phong, uy tín của người nghệ sĩ trước công chúng và xã hội.
Dự thảo quy tắc cũng khuyến khích văn nghệ sĩ, ca sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nỗ lực phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng, chú trọng các hoạt động liên quan đến giáo dục sức khỏe cộng đồng, lối sống thân thiện và bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sinh thái. Đồng thời, thực hiện, phối hợp thực hiện hiệu quả các phong trào, hoạt động từ thiện, nhân đạo, chăm lo người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, dự thảo quy tắc cũng yêu cầu các nghệ sĩ, ca sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật phải công khai, minh bạch, kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội, giữ uy tín, trách nhiệm, danh dự người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân. Đây là nội dung được dư luận xã hội và cộng đồng mạng xã hội đặc biệt quan tâm, mong muốn. Bởi lẽ, thời gian qua đã quá nhiều vụ lùm xùm xung quanh việc có một số ca sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng trong giới showbiz… bị tố thiếu trung thực, có khuất tất và thậm chí là ăn chặn tiền từ thiện. Liên quan đến vấn đề này, sau những tố cáo có địa chỉ cụ thể của một chủ doanh nghiệp ở Bình Dương, hiện cơ quan chức năng của Bộ Công an đã và đang vào cuộc để làm sáng tỏ vấn đề có hay không việc ăn chặn tiền từ thiện của một số ca sĩ, nghệ sĩ?
Gần đây nhất là vào ngày 3-10-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, gồm: Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Thủ Đức và công an 21 quận, huyện kiểm tra, rà soát, báo cáo kết quả giải quyết tin báo, tố giác tội phạm liên quan việc kêu gọi, ăn chặn tiền từ thiện. Vì trước đó, một chủ doanh nghiệp lớn ở Bình Dương đã nhiều lần livestream phát trực tiếp trên Facebook, YouTube nói về việc các cá nhân, ca sĩ, nghệ sĩ kêu gọi và ăn chặn tiền từ thiện. Không chỉ yêu cầu sao kê tiền từ thiện, chủ doanh nghiệp này còn kêu gọi nghệ sĩ phải sao kê thuế để chứng minh sự trong sạch về thuế thu nhập cá nhân của những nghệ sĩ, ca sĩ có tiếng này. Sau đó, một số ca sĩ, nghệ sĩ, MC, người nổi tiếng có nhận tiền từ thiện của chủ doanh nghiệp này đã phải sao kê tài khoản tại các ngân hàng và đưa lên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, dự thảo quy tắc cũng đưa ra những quy định các văn nghệ sĩ, ca sĩ, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật khi tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định pháp luật, nhất là sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường. Thực tế thời gian qua cho thấy, không ít nghệ sĩ tham gia hoạt động quảng cáo, nhưng không kiểm chứng được chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chính vì điều này mà đã có không ít người lầm tưởng thực phẩm chức năng là thuốc đặc trị đối với một số bệnh mãn tính.
Về vấn đề này, ngày 20-5-2021, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Hội Văn học nghệ thuật thành phố chấn chỉnh tình trạng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, vi phạm pháp luật. Trước đó, trong một video trên trang cá nhân, nghệ sĩ Quyền Linh nói về nhiều tác dụng của sản phẩm S như hỗ trợ điều trị tận gốc các tế bào ung thư; giúp tập trung điều trị vết loét, khỏe cho dạ dày và điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Cùng thời gian này, trong video đăng trên trang cá nhân, nghệ sĩ Hồng Vân cho biết có bạn thân bị u xơ tử cung, kích thước khối u lên đến 7cm. Sau khi uống loại sủi này, khối u dần xẹp rồi biến mất. Tuy nhiên, 2 loại thực phẩm chức năng này sau đó bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo không đúng công dụng như quảng cáo. Do đó, cả nghệ sĩ Quyền Linh và Hồng Vân đã cúi đầu xin lỗi công chúng.
Khát vọng và chuẩn mực trong ứng xử
Đối với nghề nghiệp, dự thảo quy tắc đề ra yêu cầu những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật phải có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật, luôn tìm tòi cái mới, cái hay để phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống nhằm sáng tạo tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Lấy giá trị chân – thiện – mỹ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật, góp phần hình thành nhân cách, lý tưởng sống tốt đẹp, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người và cộng đồng xã hội. Đồng thời, trong dự thảo cũng yêu cầu các văn nghệ sĩ, ca sĩ phải kiên quyết đấu tranh chống lại cái xấu, hành vi tiêu cực, lệch chuẩn trong đời sống xã hội; không sáng tác, phổ biến, lưu hành, biểu diễn tác phẩm gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng, vi phạm quy định pháp luật.
Trong ứng xử đối với đồng nghiệp, công chúng và truyền thông, dự thảo quy tắc đưa ra yêu cầu, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật không chỉ “tôn sư, trọng đạo”, mà còn phải tôn trọng, bảo vệ uy tín của đồng nghiệp trước công chúng, khán giả và xã hội. Đồng thời, phải ứng xử chân thành, đúng mực, thân thiện và xây dựng hình ảnh đẹp của người hoạt động nghệ thuật trong lòng công chúng, khán giả. Không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cho cá nhân. Đặc biệt, không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân…
Trong thời đại công nghệ hiện nay, những quy tắc nêu trên là cực kỳ cần thiết, vì thực trạng showbiz Việt thời gian qua đã xuất hiện nhiều nghệ sĩ ứng xử “lệch chuẩn”. Hiện tượng quảng cáo thổi phồng, sai sự thật, làm từ thiện không minh bạch, phát ngôn thiếu chuẩn mực, công kích hoặc bóc phốt, thậm chí nói xấu đồng nghiệp, coi thường khán, thính giả, trang phục phản cảm… đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và niềm tin của công chúng đối với giới nghệ sĩ nói riêng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung. Chính vì vậy, sau khi bộ quy tắc ứng xử được ban hành, các nghệ sĩ căn cứ vào đó soi chiếu hành động, việc làm để điều chỉnh sao cho chuẩn mực hơn. Cụ thể là khi tham gia hoạt động xã hội, từ thiện thì phải công khai, minh bạch; khi tham gia hoạt động xã hội phải bảo vệ uy tín, trách nhiệm, danh dự của đồng nghiệp; trong cuộc sống không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân…
Việc ra đời bộ “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” là rất cần thiết. Bởi, các quy tắc trong đó là những “biển báo”, là “barie” cảnh báo để mỗi nghệ sĩ cẩn trọng hơn khi tham gia các hoạt động xã hội, cũng như trong phát ngôn, hành xử với đồng nghiệp, công chúng và các trang mạng xã hội. Hy vọng rằng, bộ quy tắc này sẽ là cơ sở thống nhất về nhận thức, hành động, từ đó lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp để “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.
Theo Báo Bình Phước