Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Phước thể hiện rõ quan điểm này khi đưa ra ý kiến “cần quy định nội dung trợ giúp pháp lý đối với phụ nữ là nạn nhân bạo lực giới”, trong phiên thảo luận ngày 10-11 tại hội trường Diên Hồng.
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, tình trạng bạo lực gia đình thời gian qua đáng báo động cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng. Nạn nhân thường là người yếu thế, bị tổn thương nặng và gặp khó khăn trong tìm kiếm sự trợ giúp của pháp luật. Số liệu thống kê từ năm 2011-2015 cho thấy, có gần 158.000 vụ bạo lực gia đình: nạn nhân nữ chiếm 74,24%, trẻ em 11,4%, người cao tuổi 8,91% và nam giới 3%. Điều đáng chú ý là 87% nạn nhân bị bạo hành chưa tìm đến sự trợ giúp pháp lý, trừ các vụ việc nghiêm trọng, các vụ xử lý hình sự; nạn nhân nữ chưa biết hoặc còn e ngại khi tiếp cận trợ giúp pháp lý…
Việt Nam thể hiện cam kết bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực gia đình đối với phụ nữ qua việc phê chuẩn một số hiệp định quốc tế… Tuy nhiên, theo Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành thì phụ nữ bị bạo lực gia đình được trợ giúp pháp lý rất hạn chế. Bạo lực gia đình đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh vi phạm nghiêm trọng quyền con người, danh dự, nhân phẩm thì bạo lực gia đình còn gây thương tích, nghiêm trọng hơn là gây ra án mạng (bị giết hoặc tự tử). Bạo lực gia đình trước mắt làm xói mòn đạo đức, tổn hại kinh tế, tinh thần mỗi người. Nhưng sâu xa hơn, thế hệ con cháu thường lặp lại hành vi bạo lực gia đình khi nhỏ chúng được chứng kiến. Bạo lực gia đình là nguy cơ gây tan vỡ và suy giảm sự bền vững của gia đình Việt Nam. Mỗi năm, hơn 8.000 vụ ly hôn nguyên nhân từ bạo lực gia đình là con số báo động.
Bạo lực gia đình cũng làm kinh tế – xã hội tổn hại từ chi phí chăm sóc, phục hồi sức khỏe nạn nhân và gia đình; tăng tình trạng bệnh tật, tự tử; mất khả năng tham gia lao động sản xuất… Theo thống kê, kinh tế sụt giảm do bạo lực gia đình chiếm 1,4% GDP/năm.
Điều đáng buồn là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21-12-2007 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2008 nhưng đến nay, luật này đi vào cuộc sống vẫn khá mờ nhạt. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế; trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật trong một bộ phận người dân thấp; bản thân người phụ nữ còn quan niệm phải giấu giếm khi bị bạo hành bởi không muốn “vạch áo cho người xem lưng”… Việc cam chịu sống chung với bạo lực là nguyên nhân chính tiếp diễn tình trạng bạo lực gia đình. Nhiều người do thiếu hiểu biết về pháp luật còn cho rằng: cha mẹ có quyền đánh đập, chửi mắng con cái, chồng có quyền đánh vợ… Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế; tệ nạn xã hội (như rượu bia, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm); ngoại tình, ghen tuông… cũng là những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, xóa tư tưởng ấu trĩ khi nghĩ bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư trong mỗi gia đình và người ngoài không nên can thiệp hiện vẫn khá nan giải. Chỉ khi cộng đồng lên án mạnh mẽ đối với các hành vi bạo lực gia đình; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý mạnh tay đủ sức răn đe thì hành vi này mới bị ngăn chặn và không có cơ hội tái diễn.
Nguồn: Báo Bình Phước