Những năm gần đây, LGBT pop (hay queer pop) không còn chỉ là một phân khúc rẽ nhánh hay khu biệt. Một làn sóng các ngôi sao công khai hát về bản dạng giới của mình ra đời và đi lên đỉnh cao.
1. Bỗng nhiên, người hâm mộ Việt Nam (và cả những quốc gia lân cận như Trung Quốc) đều bàn tán về câu chuyện vua và hoàng hậu cùng say mê một nhạc công chơi đàn nhị chốn cung đình trong Tự tâm – một MV mới được Nguyễn Trần Trung Quân phát hành.
Sau Màu nước mắt cũng của Nguyễn Trần Trung Quân với chủ đề đồng tính nữ, đến Tự tâm, khán giả vẫn không khỏi tò mò và nhắc nhiều tới cụm từ “đam mỹ”, nghĩa là tình yêu đồng giới giữa những người đàn ông.
Chỉ trước đó mấy ngày, Văn Mai Hương trở lại với MV Nghe nói anh sắp kết hôn, cũng có một nụ hôn đồng giới, và cũng lọt vào tab thịnh hành trên YouTube. Sự tò mò của nhiều khán giả Việt Nam lúc này có lẽ cũng na ná với sự tò mò của công chúng quốc tế 10 năm trước, khi nữ ca sĩ Katy Perry phát hành ca khúc I kissed a girl (Tôi hôn một cô gái), mô tả trải nghiệm và những đam mê “nằm ngoài dự định”.
Mức độ quan tâm rất cao mà người xem dành cho những sản phẩm giải trí như thế có lẽ là điều tất yếu. Khi cuộc sống ngày càng văn minh và hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa tại nhiều đất nước, âm nhạc cũng không nằm ngoài xu hướng ấy.
Đã quá xa rồi cái thời Diana Ross vô tình thu âm ca khúc I’m coming out và rồi sau đó, lại vô tình biết được câu này hàm ý hành động “bước ra ngoài ánh sáng” của người đồng tính, và Ross chạy về phòng thu, khóc lóc như mưa, đòi bằng được nhà sản xuất phải giải thích tại sao ông muốn hủy hoại sự nghiệp của cô.
2. Những năm gần đây, LGBT pop (hay queer pop) không còn chỉ là một phân khúc rẽ nhánh hay khu biệt. Một làn sóng các ngôi sao công khai hát về bản dạng giới của mình ra đời và đi lên đỉnh cao.
Janelle Monáe tán tụng việc được sinh ra làm một người phụ nữ da màu đồng tính ngay giữa xã hội Mỹ phân tầng và ngập tràn kỳ thị trong Dirty computer – album thuộc hàng hay nhất năm 2018. Troye Sivan, hiện tượng âm nhạc nổi lên từ YouTube, công khai mình là “gay” và không hề giấu giếm về đời sống tình dục của anh trong Bloom – một album được tạp chí NME chấm 5 sao.
Còn Hayley Kiyoko, sau khi phát hành Expectations – một album táo bạo, bóng bẩy, cởi bỏ hoàn toàn những định kiến về đời sống bi kịch của cộng đồng LGBT, cô được người hâm mộ tôn thờ tới mức đặt cho biệt danh… “Lesbian Jesus” (Jesus đồng tính nữ).
Trong khi đó, những ngôi sao thế hệ Z khác như Ariana Grande, Charli XCX, Dua Lipa, để không tỏ ra lạc quẻ với xu hướng xã hội, cũng mập mờ đả động tới vấn đề đồng tính trong các ca khúc của mình. Ngay cả người đi trước như Taylor Swift cũng phát hành MV You need to calm down vào Tháng tự hào LGBT, trong đó Swift nhấp trà, biểu diễn theo lối “drag queen” (một kiểu hóa trang gắn liền với văn hóa đồng tính).
3. So với quốc tế, LGBT pop ở Việt Nam, như trường hợp của Văn Mai Hương hay Nguyễn Trần Trung Quân, mới chỉ ở dạng sơ khởi, bởi thành tố LGBT mới được tận dụng một cách bề mặt trong MV chứ chưa được khai thác trong ca từ và thông điệp ca khúc, chưa có tuyên ngôn LGBT nào được thiết lập, chưa có câu chuyện LGBT nào thực sự được kể ra.
Và những gì liên quan tới LGBT ở đây thay vì đi vào chiều sâu tâm lý của người đồng tính/chuyển giới trong một xã hội đã cởi mở nhưng vẫn còn rất e dè, mới dừng lại là yếu tố “gây sốc”.
Nhưng điều này sớm hay muộn rồi cũng sẽ thay đổi.
Nguồn: tuoitre.vn