Vì sao nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gần đây đã gia tăng yêu sách cho cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump và ngừng phối hợp với giới chức Bộ ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng về các kế hoạch cho hội nghị này tại Singapore? Câu trả lời, theo các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ và các chuyên gia bên ngoài, là do Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gần đây đã có chuyến thăm Trung Quốc 2 lần và gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: AFP/Getty)
Theo CNBC, Tổng thống Trump ngày 24/5 đã hé lộ rằng ông biết vì sao thượng đỉnh Mỹ-Triều đi chệch hướng, khi nói với các phóng viên rằng “đối thoại vẫn diễn biến tốt đẹp cho tới tận gần đây, và tôi cho rằng tôi hiểu vì sao điều đó xảy ra”. Ông chủ Nhà Trắng nói đùa rằng các phóng viên nên viết về nó trong một cuốn sách.
Nhưng các nhà phân tích đối ngoại không phải chờ đợi một cuốn sách mới có thể nói rằng Trung Quốc là “bàn tay ngầm” phía sau sự chệch choạc của thượng đỉnh Mỹ-Triều, vì Trung dường như ngày càng trở nên lo lắng về viễn cảnh thống nhất bán đảo Triều Tiên trong khi Bắc Kinh lại bị “ra rìa”.
Trước đó 2 ngày, ông Trump đã bóng gió về các nghi ngờ khi được hỏi về Trung Quốc trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng.
“Tôi sẽ nói rằng tôi hơi thất vọng vì khi ông Kim Jong-un có cuộc gặp với Chủ tịch Tập tại Trung Quốc, cuộc gặp thứ 2… Tôi nghĩ là đã có một chút thay đổi trong thái độ của ông Kim. Tôi không thích điều đó”, ông Trump nói.
“Tôi nghĩ mọi thứ thay đổi sau cuộc gặp đó, vì vậy tôi không thể nói tôi vui vì điều đó”, nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm.
Và trên thực tế, có một sự thay đổi đáng chú ý về các tuyên bố công khai của Bình Nhưỡng và các hành động cá nhân sau chuyến thăm thứ 2 của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc chỉ trong 2 tháng, dù ông không thăm Bắc Kinh trong suốt 6 năm nắm quyền trước đó.
Vì sao Trung Quốc lo lắng? Đô đốc hải quân Mỹ về hưu James Stavridis, cựu chỉ huy tối cao của NATO ở châu Âu và hiện là Hiệu trưởng Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ), cho rằng “bạn có thể cảm nhận sự xì hơi trong quả bóng thượng đỉnh” sau khi ông Kim xuất hiện tại bắc Kinh.
“Rõ ràng là Trung Quốc muốn họ trở thành người điều khiển của quá trình này. Họ đã khuyên ông Kim Jong-un không tham gia cuộc gặp thượng đỉnh”, ông Stavridis nhận định.
Ông Stavridis nói thêm: “Con đường mà hội nghị thượng đỉnh này đang đi là chúng ta dự kiến có một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều và Hàn Quốc đóng một phần nhỏ, trong khi Trung Quốc không có vai trò gì. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể xem điều đó là không thể chấp nhận được”.
Trong những ngày gần đây, Bắc Kinh cũng khiêu khích Mỹ khi đưa máy bay ném bom tới đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Đáp trả, Lầu Năm Góc ngày 23/5 đã quyết định rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận quân sự lớn nhất thế giới trong khu vực.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Tư đã gọi quyết định trên là “tiêu cực” và “không mang tính xây dựng” trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ với người đồng Mỹ Mike Pompeo nhân chuyến thăm Washington. Ông nói quyết định đó “không giúp ích gì cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Giờ đây, trong bối cảnh căng thẳng quân sự leo thang và các cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, chính quyền Mỹ cũng sẽ đổ lỗi cho Bắc Kinh về việc làm tụt hi vọng của Tổng thống Trump về một thỏa thuận lịch sử với Triều Tiên.
Bắc Kinh thực sự muốn gì?
Ông Kim Jong-un muốn thể hiện mình trên chính trường thế giới nhưng ông không thể phớt lờ Trung Quốc, vì “90% nền kinh tế Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc”, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus nói.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus dưới thời Tổng thống Barack Obama và cũng là một cựu nghị sĩ lâu năm của đảng Dân chủ cho rằng Trung Quốc cũng chia sẻ mục tiêu với Mỹ về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân nhưng vì những lý do khác.
“Trung Quốc giống như thể ngồi vào ghế lái. Bắc Kinh muốn tìm một giải pháp có lợi cho mình”, ông Baucus nói.
Theo chuyên gia trên, bất kỳ cách thức nào mà Mỹ tiếp cận nhằm tìm một giải pháp phù hợp cho vấn đề Triều Tiên cũng phải bao gồm Trung Quốc. “Giới chức Trung Quốc không thực sự thích ông Kim Jong-un vì họ không kiểm soát được ông ấy đúng như họ muốn”, ông nói.
Mỹ cần hợp tác với Trung Quốc nhưng cũng phải biết được tham vọng thực sự của Bắc Kinh. “Thẳng thắn mà nói, Trung Quốc muốn nhìn thấy một giải pháp là quân đội Mỹ rời Hàn Quốc. Đó là mục tiêu của Trung Quốc. Luôn luôn là như vậy. Họ đã nghĩ về lâu về dài”, chuyên gia trên nhận định.
Điều chỉnh vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên thực sự là bài toán phức tạp với Mỹ, vì chính quyền Mỹ cũng đang cố gắng đạt được một thỏa thuận thương mại và tránh cuộc chiến thương mại với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
New York Times nhận định, Chủ tịch Trung Quốc dường như lo ngại về tốc độ các cuộc đàm phán của Triều Tiên với các nước, và viễn cảnh ông Kim Jong-un có thể xích lại gần Mỹ.
Việc ông Trump cân nhắc lại cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim cho phép ông Tập sử dụng ảnh hưởng của Mỹ với Bình Nhưỡng, trong đó có khả năng thắt chặt hoặc nới lỏng thực thi các cấm vận kinh tế với Triều Tiên, làm đòn bẩy khi Bắc Kinh đàm phán một thỏa thuận thương mại với Washington.
“Ông Tập không chỉ muốn tạm hoãn thượng đỉnh Mỹ-Triều mà còn trì hoãn lâu nhất có thể”, James Mann, tác giả của cuốn sách “The China Fantasy”, nói. “Viễn cảnh về một thỏa thuận không thỏa thuận sẽ cho phép Trung Quốc có đòn bẩy đối với Mỹ, đặc biệt về thương mại”.
Theo Dân Trí