Cháu con đã dâng lên Vua Hùng chiếc bánh chưng, bánh dầy lập kỷ lục guiness. Tục thờ cúng Hùng Vương và điệu hát xoan có từ thời Vua Hùng cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ đã được xây dựng xong, trang nghiêm và hoành tráng. Vậy còn giấc mơ Tiên Rồng bây giờ là gì?

Là giọt máu Tiên Rồng, dẫu ở trong nước hay lưu lạc nơi xứ người, thì tôi và muôn con dân đất Việt vẫn luôn mang huyết thống Lạc Hồng, vẫn chắp tay bái niệm tưởng nhớ Tổ tiên ngày Quốc giỗ, vẫn là hậu duệ của cha rồng Lạc Long Quân và mẹ tiên Âu Cơ. Tôi sống ở đồng bằng châu thổ sông Hồng nên không biết xưa ông cha tôi đi theo Cha xuống biển hay theo Mẹ lên rừng nữa. Nhưng dù theo mẹ hay theo cha đi khai sơn phá thạch thì hằng năm tôi vẫn về đỉnh Nghĩa Lĩnh dịp tháng ba để thắp hương cho nghĩa Tổ.

Đã có nhiều những điệu múa về sự tích bọc trăm trứng của tộc Việt. Cháu con hậu duệ Tiên Rồng hằng năm vẫn biểu diễn những tích truyện thời Hùng Vương trên những sân khấu được dựng lên trong những ngày giỗ Tổ. Ở miền đất Phú Thọ vẫn lưu truyền được làn điệu cổ thậm thình mà các Lạc dân giã gạo trong những đêm trăng thanh…

Đã có nhiều những tác phẩm âm nhạc dựa trên truyền thuyết Tiên Long, đã có nhiều những ca khúc khai thác dữ liệu hoặc lấy cảm hứng từ nhân vật cha Rồng mẹ Tiên của xứ sở. Có thể kể đến “Đất nước lời ru” của Văn Thành Nho đã khắc sâu vào trái tim bao thế hệ.

Bài hát “Dòng máu Lạc Hồng”, “Bản hùng ca chim Lạc” của Lê Quang vẫn chảy truyền từ nguồn cội thiêng liêng qua bao thăng trầm suốt bốn ngàn năm đến hôm nay. Ca khúc “Lời ru Âu Lạc” của Lê Minh Sơn mang âm hưởng dân gian đã tiếp nối đến đương đại. Và “Khúc hát Tiên Rồng” mà nhạc sĩ Trọng Đài phổ thơ Lê Bảo Âu Long đã vang lên đầy khải huyền mở màn Lễ khai mạc Festival Huế năm 2008 với chủ đề Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển…

Đã có nhiều những nhà thiết kế (NTK) thời trang sáng tạo những mẫu quốc phục áo dài với chi tiết hoa văn thời Hùng sử hoặc dựa trên cảm thức cội nguồn. Chiếc áo dài “Âu Cơ” nằm trong bộ sưu tập “Huyền sử Lạc Hồng” (NTK Trần Tâm Tâm) trông thật uy nghi và bồng lai. Bộ trang phục áo dài “Sinh thành” (NTK Minh Châu) tạo sự lộng lẫy cho thí sinh Phan Thị Mơ trong cuộc thi Hoa hậu châu Á tại Mỹ 2011 gợi nhớ sự tích bọc trăm trứng…

Trang phục truyền thống là một trong những nét văn hóa mà đại diện nhan sắc Việt mang ra quốc tế với niềm tự hào dân tộc cao. Những trang phục lấy ý tưởng từ thời Lạc Long Quân – Âu Cơ trở thành nguồn cảm hứng mới cho các NTK sau khi áo dài được khai thác triệt để. Sắc phục từ thuở khai sinh dân tộc Việt quả là ý tưởng vô cùng ấn tượng để quảng bá về lịch sử, văn hiến, truyền thống của con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Huyền thoại “Con Rồng cháu Tiên” vẫn luôn trường tồn cùng dân tộc.

Các thí sinh Việt Nam đi dự thi sắc đẹp trên đấu trường quốc tế trong phần thi trang phục dân tộc đã mang trên mình bộ áo phiêu hứng từ tộc Rồng Tiên của mình. Xuất hiện trong trang phục hình tượng Lạc Long Quân mạnh mẽ đậm chất Việt, tại đấu trường Mister International 2008 là “Nam vương” Tiến Đoàn, Manhunt International 2008 là Văn Thịnh, Mister International 2012 là “Á vương” Đỗ Bá Đạt, Mister Global 2014 là “Á vương” 3 Hữu Vi.

Hoa hậu Hương Giang đến với Miss World 2009 trong bộ trang phục lấy ý tưởng từ hình tượng mẹ Âu Cơ như nhắc nhớ về ngàn năm văn hiến. Với bộ khố mang tên “Huyền thoại Việt”, NTK Hoàng Thịnh Trị đã tạo dựng hình ảnh người đàn ông Việt hùng mạnh trong quá trình dựng nước và giữ nước để siêu mẫu Vĩnh Thụy trình diễn tại Manhunt International 2009.

Chung Thục Quyên mang bộ áo yếm được thiết kế công phu, cách điệu từ ý tưởng trang phục Mỵ Nương thuở Vua Hùng thi Miss International 2010. Hoa hậu Trương Thị Trúc Diễm gây được chú ý với báo giới nước bạn khi khoác lên mình bộ trang phục lấy ý tưởng từ hình ảnh mẹ Âu Cơ, họa tiết trống đồng, chim Lạc (NTK Lê Long Dũng) trong Miss International 2011.

Những ý tưởng táo bạo của Long Dũng, Mộc Thanh, An Kha được triển khai thành công trong trang phục truyền thống từ hình tượng Thánh Gióng giúp Trương Nam Thành giành ngôi Á vương Manhunt 2011 và tỏa sáng tại Mister World 2012. Hoàng My chọn trang phục nền văn minh Âu Lạc với truyền thuyết nỏ thần (NTK Lê Thanh Hòa) để tham gia Miss World 2012.

Á hậu Ngọc Oanh gây ấn tượng với cảm sắc dân tộc trong trang phục “Vũ khúc ngàn năm” độc đáo (NTK Lê Long Dũng) tại cuộc thi Super Model International 2012. Trang phục truyền thống dậy sóng mang tên “Sen vàng Việt Nam” (NTK Lê Long Dũng) mang hơi hướng cosplay game cổ trang kết hợp giữa nét mạnh mẽ của Lạc Long Quân và mềm mại, thanh thoát của Âu Cơ đã giúp Dương Nguyễn Khả Trang giành giải Trang phục dân tộc đẹp nhất tại Miss Supranational 2016.

Bộ trang phục của Ngọc Tình, “Á vương 1” cuộc thi Mister Universal Ambassador 2016 để lại nhiều ấn tượng đẹp cho khán giả quốc tế thể hiện niềm tự hào dân tộc do NTK Lê Long Dũng cách điệu theo phong cách Lạc dân, Lạc tướng thời Văn Lang.

Bộ trang phục “Hồn Đại Việt” được Ivan Trần thiết kế đã giúp Lương Gia Huy lên ngôi “Nam vương” tại Mister Universal Ambassador 2017… Nhìn vào các trang phục sáng tạo từ truyền thống đó, ta lại thấy cổ sử cả ngàn năm của đất nước, thấy vẻ đẹp hút hồn của tổ tiên xưa xa đầy bản sắc được tái hiện hoành tráng, cầu kỳ, đầy biến tấu và phá cách.

Đã có những công trình kiến trúc mang dáng dấp của bề dầy dựng nước, giữ nước trong sự cách điệu hơi thở đương đại. Điểm nhấn kiến trúc của công viên Hòa Bình (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) chính là chiếc cổng chào biểu tượng chim Lạc sẵn sàng vút bay lên trời xanh…

Đề tài huyền sử này cũng đã được thể hiện nhiều trong lĩnh vực mỹ thuật và thi ca. Đó là những bức phù điêu trong các ngôi đền thờ Lạc Long Quân, Âu Cơ và các Vua Hùng trên khắp dải đất hình chữ S thân thương này. Đó là những vần thơ của các thi nhân Việt ngợi ca sử thi Việt: “Đất nước vóc Rồng dáng Tiên/ Đôi mắt nghìn trùng trông ra biển…”.

Đã có những bộ tem bưu chính về chủ đề Giỗ Tổ Hùng vương. Trong lịch sử phát hành, ngày 5/4/1960, bộ tem đầu tiên về chủ đề này mang tên “Lăng Hùng Vương” gồm hai mẫu tem do cố họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế. Vào dịp Giỗ Tổ năm 2000, ngày 4/4 (tức 30/2/CanhThìn), Tổng cục Bưu điện phát hành bộ tem “Truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ” gồm 6 con tem do nữ họa sĩ Hoàng Thuý Liệu sáng tác theo phong cách truyện tranh, khai thác các chất liệu văn hóa dân gian để kể về sự ra đời của dân tộc Việt, thể hiện cô đọng dòng dõi con Rồng cháu Tiên.

Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi, ngày 23/4/2015, bộ tem “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” được Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành, gồm 3 mẫu tem 1 bloc do họa sĩ Võ Lương Nhi và Vũ Kim Liên thiết kế, với hình ảnh cổng vào Đền Hùng cùng đoàn con Lạc cháu Hồng về dâng lễ, các trưởng lão thực hiện nghi lễ tế Vua Hùng, hình ảnh bánh chưng bánh dày và cộng đồng các dân tộc Việt Nam dâng lễ vật lên Vua Hùng để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các Vua Hùng. Đó là bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng tri ân của các thế hệ con cháu với công đức tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước…

Nhưng vẫn chưa có một bộ phim cổ trang, dã sử, huyền sử nào về thời đại các Vua Hùng. Nó vẫn là giấc mơ xa vời của nền điện ảnh Việt, của các nhà làm phim Việt. Mặc dù tư liệu về thời kỳ này như văn học thời Hùng Vương không thiếu. Và có thể nói, đó là những kịch bản hay như: chuyện kể Mai An Tiêm với trái dưa hấu đỏ trong hành trình khai phá đảo hoang, sự tích bánh chưng bánh dày mà chàng Lang Liêu mơ thấy; chuyện tình Sơn Tinh – Mỵ Nương với sính lễ cầu hôn voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, chuyện cậu Gióng ba tuổi cưỡi ngựa sắt vung tre ngà đánh đuổi lũ giặc Ân rồi bay về trời, chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung gặp nhau bên dòng sông Hồng trong tình huống vừa hết sức đặc biệt vừa vô cùng tự nhiên; tình sử bi thương đẫm lệ Mỵ Châu – Trọng Thủy…

Khi xem phim “Hiên Viên đại đế” về thời kỳ sơ khởi của một tộc người thời xa xưa, tôi lại tự hỏi rằng bao giờ người Việt mình mới có được một bộ phim về 18 đời Vua Hùng? Những Hùng Hiền Vương, Hùng Lân Vương, rồi Hùng Việp Vương… xưa xa thấp thoáng ảnh hình trong những bức tượng đồng mà không được chuyển động trong những thước phim của cháu con đương đại. Đâu rồi Hùng Huy Vương giục sứ giả đi vào các đường làng quanh co bên lũy tre để cầu hiền mà gặp được cậu Gióng ba tuổi?

Đâu rồi chàng Lang Liêu dâng bánh chưng bánh dày lên vua cha ngày hội xuân? Đâu rồi những nàng mỵ nương Tiên Dung, Ngọc Hoa ngồi chải tóc cho nhau bên giếng Ngọc? Đâu rồi tiếng quát mắng tức giận đuổi Mai An Tiêm đày ra đảo hoang, giờ này chắc Người đã nguôi hận? Đâu rồi tiếng đàn tích tịch tình tang của Thạch Sanh mãi ngân vào trí tưởng tượng dân gian?

Đâu rồi Hùng Duệ Vương mỉm cười nhận sính lễ của Sơn Tinh trong sớm mùa thu lộng gió? Đâu rồi thiên tình sử Đức thánh Chử Đồng Tử – Tiên Dung? Đâu rồi chiếc lông ngỗng bay ngang qua giọt nước mắt Mỵ Châu?… Từ thời thượng cổ Hồng Bàng biết bao chuyện kể, bao tích chuyện được lưu truyền và biết bao câu chuyện đã thất truyền, bao chuyện đã trôi vào quên lãng, không được ghi chép trong sử sách…

Theo cand.com.vn

Từ khóa : di sản văn hóa phi vật thểgiổ tổ Hùng Vươngtưởng nhớ Tổ tiên

Các tin liên quan đến bài viết