Bom Bo là địa chỉ đỏ – địa danh anh hùng đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, hấp dẫn khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước. Địa danh còn được nhiều thế hệ biết đến qua bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng. Nhưng để tìm về sóc Bom Bo và đặc biệt là Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng mới khánh thành thì thật nhọc nhằn.
KHU BẢO TỒN VĂN HÓA DÂN TỘC S’TIÊNG Ở ĐÂU?
Ngày nghỉ cuối tuần, nhóm chúng tôi tổ chức chuyến dã ngoại về nguồn. Sau khi chọn Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (Bù Đăng) là điểm đến và được mọi người nhất trí, chúng tôi lên đường. Dùng điện thoại tìm đường đến khu bảo tồn, chưa có. Không rành đường nên chúng tôi đã đi thẳng đến trung tâm xã Bom Bo, dự định sẽ hỏi thăm người dân đường vào khu bảo tồn. Xe lướt êm trên đường ĐT760, Minh Hưng – Bom Bo. Đoạn đường mới được đầu tư trải nhựa phẳng lì tạo cảm giác khoan khoái trong mỗi người. Không bao lâu chúng tôi đã đến trung tâm xã Bom Bo. Xe dừng, tôi hỏi thăm đường đến địa chỉ đỏ thì nhận được câu trả lời của ngươi dân trong xã: “Ô! Các anh đi quá khoảng hơn 10 cây số rồi, hãy quay lại cột cây số “Bom Bo 10km”(!?), đi thêm một đoạn, rẽ vào đường đôi bên trái là đến Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo thuộc xã Bình Minh.
Sau khi biết đã đi quá xa, niềm hứng khởi chuyến tham quan của các thành viên vơi bớt. Những câu hỏi như tại sao lại không đặt khu bảo tồn ở xã Bom Bo, tại sao không dựng biển hướng dẫn… làm mọi người bàn luận ồn ào và cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi cần tới.
XA LẠ VỚI TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA ĐỒNG BÀO S’TIÊNG
Cảm nhận đầu tiên của mọi người khi đến tham quan Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo là khu bảo tồn được đầu tư xây dựng hoành tráng, bề thế trên diện tích 113,4 ha, với kinh phí 298 tỷ đồng. Công trình xứng đáng với công lao đóng góp, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước của các thế hệ đồng bào dân tộc S’tiêng, Mơnông… ở Bom Bo.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là nhà đón tiếp, nơi có kiến trúc hình chữ công (một dọc, 2 ngang), mang phong cách nhà dài. Bên trong có phòng đón tiếp, nghỉ ngơi và trưng bày được thiết kế khá đẹp đã tôn vinh các bức tranh, ảnh, đồ dùng, kỷ vật đời sống, trong chiến đấu của đồng bào dân tộc S’tiêng. Nhiều mặt hàng lưu niệm cũng được đồng bào bày bán tạo không khí giao lưu náo nhiệt, gần gũi, nhưng tuyệt nhiên không có cảnh chèo kéo khách mua như ở các khu du lịch khác.
Du khách mua hàng lưu niệm trong nhà đón tiếp của khu bảo tồn
Bên trái khu nhà đón tiếp có đường bê tông dẫn lên khu lễ kích thích sự tò mò, khám phá của du khách. Trên khu lễ, có nhà dài và các nhóm tượng giã gạo, đâm trâu… gợi nhớ nét đẹp văn hóa, nhất là phong trào giã gạo nuôi quân trong kháng chiến của đồng bào S’tiêng. Khu bảo tồn đã khánh thành giai đoạn 1, đem đến niềm vui, đáp ứng mong chờ của đồng bào các dân tộc ở Bom Bo và trong tỉnh.
Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn khi nhà dài – hạng mục chính lại được xây dựng cột, kèo đúc bằng bê tông cốt thép, nền lát gạch men khác hẳn với nhà dài truyền thống của đồng bào S’tiêng. So sánh với nhà rông của đồng bào Tây Nguyên thì nhà dài trong khu bảo tồn kém lắng đọng hồn cốt văn hóa. Vì thế giá trị văn hóa, tín ngưỡng và nghiên cứu của nhà dài khu bảo tồn chưa hấp dẫn khách tham quan, du lịch, nghiên cứu.
Bên cạnh đó, ở các nhóm tượng như đâm trâu, giã gạo cũng cho thấy việc tạo hình đại khái, qua loa bộc lộ qua những tư thế gượng ép, thiếu sự uyển chuyển trong động tác, dáng đứng… Đặc biệt, tạo hình chưa toát nội tâm, cảm xúc nhân vật. Toàn bộ tượng đặt trên mặt sân bê tông nhẵn bóng, hình tròn cũng chưa thể hiện đúng với không gian sinh hoạt của đồng bào. Cảnh đâm trâu, múa cồng chiêng xa lạ với bối cảnh lễ hội… Chỉ vài chi tiết như khăn, khố, quần áo, vật dụng là có sự gần gũi với đời sống, sinh hoạt của đồng bào nhưng đơn điệu, tẻ nhạt.
MONG MUỐN TRỞ THÀNH KHU DU LỊCH TRUNG TÂM
Tuy còn đang tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 nhưng du khách đến tham quan mong muốn, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo có biển chỉ dẫn đường vào để du khách đỡ vất vả. Với thực địa quanh co và đường dốc lên khu lễ thì lầu vọng cảnh sẽ giúp người cao tuổi chỗ nghỉ, chiêm ngưỡng cảnh đẹp, đồng thời tránh ùn tắc xe lên, xuống. Và thêm nữa, du khách sẽ thấy phấn khích khi được bắn cung, nỏ, cưỡi voi và cùng giã gạo, múa cồng chiêng, đâm trâu với đồng bào… Đây sẽ là trải nghiệm ấn tượng khó quên thu hút du khách quay lại với khu bảo tồn.
Một hình thức du lịch trải nghiệm tại nhà dân (homestay) đang thịnh hành ở các khu du lịch phía Bắc như Sa Pa (Lào Cai) hay ở Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La)… cũng rất phù hợp với Bình Phước. Nếu hình thức du lịch trải nghiệm được khởi động sẽ tạo nên mạng lưới gắn kết, tương tác, hỗ trợ đón tiếp, giữ chân du khách đến Bình Phước. Người dân có điều kiện bảo tồn văn hóa, nghề truyền thống, phát triển du lịch và khách tham quan sẽ có nhiều lựa chọn trải nghiệm, không bó hẹp trong khu bảo tồn.