Để ứng phó với biến động thị trường, đa số doanh nghiệp tại Việt Nam lựa chọn sa thải nhân sự, có ngành cắt giảm lên đến 75%. “Ông lớn” bán lẻ, bất động sản, ngân hàng đều giảm nhân sự.

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội 

Kinh tế khó khăn, sức mua giảm, đơn hàng không có, bất động sản ảm đạm… khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự quy mô lớn.

“Ông lớn” bán lẻ, bất động sản, ngân hàng đều giảm nhân sự

Thống kê trên báo cáo tài chính quý 3-2023, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng phải cắt giảm quy mô hàng nghìn nhân sự.

Điển hình như Thế Giới Di Động (MWG) đã giảm hơn 5.600 nhân sự trong vòng 9 tháng. Cuối tháng 9-2023, MWG còn 68.374 người, chưa kể công ty này có kế hoạch đóng thêm 200 cửa hàng nữa.

Không chỉ “đại gia” ngành bán lẻ, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh tái cơ cấu nhân sự theo hướng giảm gọn 3 quý đầu năm nay như: VPBank, SHB, LPBank, SeABank, TPB…

Trong đó, giảm mạnh nhất là VPBank khi bớt hơn 4.400 nhân sự sau 9 tháng. Cuối quý 3 vừa qua, báo cáo tài chính hợp nhất trên toàn hệ thống VPBank còn 24.633 nhân sự.

Đơn vị: NgườiMWGVPBSHBLPBDXGGMCNVL01k2k3k4k5k6k

Lượng nhân sự sụt giảm sau 9 tháng đầu năm nay tại một số đơn vị – Dữ liệu: BCTC

Lĩnh vực bất động sản hay dệt may cũng chứng kiến nhiều đợt cắt giảm lao động quy mô lớn. Như Tập đoàn Đất Xanh giảm gần 1.300 người sau 3 quý năm 2023. Hay như Garmex Sài Gòn, thời điểm cuối tháng 9 năm nay cũng giảm gần 2.000 người so với đầu năm.

Một khảo sát vừa công bố của Navigos Group đã chỉ ra tình hình lao động tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, khi có hơn 68% doanh nghiệp chọn cắt giảm nhân sự để ứng phó với giai đoạn đầy thách thức này.

Đáng chú ý đa số doanh nghiệp tại Việt Nam lựa chọn cắt giảm dưới 25% nhân sự, riêng một số ngành cắt giảm lên đến 75%.

Trong đó doanh nghiệp có quy mô cắt giảm dưới 25% chiếm đa số ở các lĩnh vực như ngân hàng, vận tải/giao nhận/chuỗi cung ứng, tự động hóa/ô tô, năng lượng, bảo hiểm, dược phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ngành thương mại, dịch vụ có vốn đầu tư của Nhật…

Ở quy mô cắt giảm từ 25% đến 50%, chủ yếu ở các lĩnh vực như chứng khoán, dịch vụ tài chính, may mặc, da giày.

Ngành nào có tỉ lệ sa thải nhân sự tới 75%?

Theo kết quả khảo sát từ Navigos Group, rất ít doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm quy mô lớn. Ở tỉ lệ sa thải 50% đến 75% nhân sự chỉ xuất hiện trong 2 ngành xây dựng/bất động sản và dịch vụ tư vấn.

Ở chiều ngược lại, chỉ chưa đến 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ tuyển dụng thêm dưới 25% nhân sự trong một năm tới.

Theo đại diện Navigos Group, tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu các thị trường lớn cũng bị suy giảm. Các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, sản xuất khó khăn.

Điều này dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc, giảm thu nhập từ quý 4-2022 đến nay. Tuy nhiên số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tình trạng này có xu hướng giảm nhiệt bắt đầu từ quý 3-2023, theo Navigos.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Trần Quang Thắng – viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM – cho rằng tình trạng gia tăng cắt giảm lao động đã đến mức đáng lo ngại và cần có những biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Dẫn số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, ông Thắng lo ngại khi số người hưởng trợ cấp thất nghiệp tại địa bàn này tăng gần 10%, đặc biệt là trong lĩnh vực may mặc, da giày, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tổng cục Thống kê cho biết số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 11 tháng là 158.800 doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tức là bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đồng nghĩa với việc nhiều nhân sự chịu cảnh mất việc.

Ông Thắng cho rằng cần có những nhìn nhận và giải pháp chung cho doanh nghiệp cũng như để giải quyết bài toán nhân sự trong bối cảnh kinh tế khó khăn năm nay.

Vị này cũng đề xuất cần tăng cường xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ người lao động đặc biệt khó khăn. Thêm nữa, việc giữ chân người lao động cũng rất quan trọng, bởi lúc khó khăn thì sa thải nhưng khi phát triển trở lại tuyển cũng rất khó. Do vậy, ông Thắng cho rằng doanh nghiệp cần có những tính toán thận trọng.

Khi doanh nghiệp đã có điều kiện phục hồi sản xuất, ông Thắng nhấn mạnh việc cải thiện điều kiện lao động, phúc lợi hợp lý, tạo cảm giác an tâm cho người lao động…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Kinh tế khó khănngười lao động

Các tin liên quan đến bài viết