Hôm 13-7, Tổng thống Joe Biden đã ban hành sắc lệnh cho phép Lầu Năm Góc huy động 3.000 quân dự bị hỗ trợ Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương ở châu Âu. Ông Biden bị phe Cộng hòa chỉ trích mạnh mẽ vì sắc lệnh này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh yêu cầu 3.000 quân dự bị sẵn sàng đến châu Âu - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh yêu cầu 3.000 quân dự bị sẵn sàng đến châu Âu 

Theo sắc lệnh của ông Biden, trong số 3.000 quân dự bị được lệnh sẵn sàng triển khai, có 450 người thuộc Lực lượng Dự bị sẵn sàng cá nhân (IRR). Đây là lực lượng đã giải ngũ, trở về cuộc sống bình thường nhưng vẫn có cam kết với quân đội.

Ông Biden ký sắc lệnh này trong khi ông đang ở nước ngoài dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO.

“Đây là động thái liều lĩnh và nguy hiểm”, thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz viết trên Twitter. “Tôi muốn thấy ông Putin bị đánh bại nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, không nên gửi binh sĩ Mỹ tới chiến đấu ở Ukraine”.

“Sự yếu kém của ông Biden đã khơi mào cho cuộc chiến này và giờ ông ta đang đặt ra rủi ro đưa quân đội vào cuộc chiến với Nga”, ông Ted Cruz chỉ trích.

Thượng nghị sĩ bang Utah, ông Mike Lee, cho rằng động thái của ông Biden là hành động “thách Nga nổ súng trước”.

“Tôi đã cố gắng tìm hiểu điều này có nghĩa là gì. Đó là Tổng thống Biden đang đưa nước Mỹ đến ranh giới chiến tranh và thách thức Nga nổ súng trước”, ông Mike Lee viết trên Twitter.

Thượng nghị sĩ Rand Paul của bang Kentucky cảnh báo: “Việc huy động quân đội đôi khi là điềm báo trước cho chiến tranh. Hy vọng lần này không phải”.

Trong thông cáo báo chí công bố ngày 14-7, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, ông Vivek Ramaswamy nhấn mạnh: “Thật đáng lo ngại khi truyền thông Mỹ phớt lờ việc Joe Biden đang ra lệnh cho 3.000 quân dự bị tới châu Âu để tiến hành Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương (Operation Atlantic Resolve)”.

“Lần gần nhất diễn ra động thái này là trong Chiến tranh Iraq. Sau đó chính quyền công bố không tồn tại ‘vũ khí hủy diệt hàng loạt’ do Saddam Hussein nắm giữ. Bây giờ lời biện minh là gì đây? Họ sẽ đi đâu, làm gì? Chúng tôi cần câu trả lời”, ông Ramaswamy chất vấn.

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 13-7 ở Vilnius, Lithuania, Tổng thống Joe Biden đã tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh NATO. “Hòa bình và an ninh ở châu Âu là cần thiết đối với an ninh và hòa bình của Mỹ”, ông Biden nói.

Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương bắt đầu từ năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Theo báo Politico, Mỹ đã điều thêm 20.000 quân tới châu Âu sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, nâng tổng số lính Mỹ ở châu Âu lên hơn 100.000.

Sắc lệnh ký ngày 13-7 của Tổng thống Biden lần đầu tiên coi Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương là “chiến dịch dự phòng”, cho phép Lầu Năm Góc huy động lực lượng dự bị và tăng tốc mua sắm để trang bị cho các quân nhân.

Động thái này còn đảm bảo lực lượng dự bị nhận được chế độ như lực lượng thường trực tại ngũ. Tuy nhiên hiện không rõ thời gian cụ thể Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ triển khai 3.000 quân dự bị này tới châu Âu.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : NATOông Biden

Các tin liên quan đến bài viết