Khi nhắc đến người thương binh hạng 3/3 Trần Xuân Đê, ở ấp Thanh Trung, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước ai cũng thán phục bởi không chỉ lập nhiều chiến công trong thời chiến, mà thời bình ông là người đi đầu trong phong trào làm kinh tế giỏi.
Năm 1975, chàng thanh niên 25 tuổi, Trần Văn Đê đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Năm 1978, trong một trận đánh, ông Đê bị trúng đạn của địch. Sau thời gian được đồng đội chữa trị, khi vết thương tạm ổn, ông Đê lại tiếp tục ra trận tham chiến khi cuộc chiến bước vào giai đoạn ác liệt. Đến năm 1986, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông Đê xuất ngũ và cũng cùng năm này, ông đưa cả gia đình rời quê hương Thái Bình vào Bình Phước lập nghiệp.
Ông Đê chia sẻ: “Lúc mới vào vất vả vô cùng, phải làm việc tất bật cả ngày để trang trải cuộc sống cho cả gia đình. Khi trái gió trở trời, vết thương lên cơn đau như cắt ruột nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua”.
Mới đầu ông Đê mua vài sào đất, dần dần tích góp mua được gần 2ha để trồng tiêu. Khi cây tiêu đang trên đà phát triển, ông đầu tư nuôi heo, dê, gà để lo cái ăn trước mắt. Nhờ cần cù và sáng tạo trong lao động, gần 2ha tiêu của ông luôn đạt năng suất cao, đàn gia súc, gia cầm phát triển nhanh nên mỗi năm ông thu về hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Không dừng lại ở đó, nhận thấy nhu cầu người dân địa phương cần đào ao lấy nước tưới, san lấp mặt bằng, làm đất, nên ông Đê đầu tư mua xe múc và xe tải, qua đó giúp ông có thu nhập thêm hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Để đạt được thành quả như ngày hôm nay, ông Đê đã phải trải qua bao gian nan, thử thách. Nhất là thời điểm khi mới bắt tay vào trồng tiêu và chăn nuôi, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên vườn tiêu và đàn gia súc, gia cầm thường xuyên bị chết, bệnh. Trong lúc khó khăn, ông Đê được một ngân hàng chính sách cho vay 30 triệu đồng, cùng với sự động viên, giúp đỡ của đồng đội và gia đình, ông đã quyết tâm làm lại từ đầu.
Khi được hỏi, động lực nào thôi thúc ông vượt qua khó khăn, người thương binh 65 tuổi đời và 44 năm tuổi Đảng Trần Văn Đê nói: “Với tâm niệm giữ trọn phẩm chất người lính cụ Hồ, tôi luôn tự nhủ mình phải nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh để làm gương cho con cháu và góp sức xây dựng quê hương”.
Ông Trần Văn Đê (bên phải) tham quan mô hình trồng cây đinh lăng của ông Vũ Viết Tăng – người được ông giúp đỡ về vốn để sản xuất |
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Đê còn tích cực tham xã công tác xã hội từ thiện tại địa phương; giúp đỡ đồng đội và nhân dân về con giống, nguồn vốn không lấy lãi, hướng dẫn kỹ thuật… Ngoài ra, ông còn vận động các thành viên trong gia đình nghiêm túc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các phong trào do địa phương phát động. Năm nào gia đình ông Đê cũng đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa kiểu mẫu”, các con của ông đều có công ăn việc làm ổn định.
Ông Nguyễn Thanh Hiền – Phó bí thư Đảng ủy thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp cho biết, sau thời gian tham gia quân ngũ, trở về địa phương, ông Trần Xuân Đê rất tích cực trong công tác xây dựng Đảng ở địa phương. Ngoài ra, ông Đê còn gương mẫu trong thực hiện các phong trào xã hội từ thiện tại địa phương. Với những nỗ lực của bản thân, ông Trần Văn Đê được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương và Bằng khen.
Chính sự cần cù, nghị lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương, ông Trần Văn Đê xứng đáng với lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Nguồn khoahocthoidai.vn