Công nghệ tiên tiến của Anh được chuyển qua các nước thứ ba, sau đó trở thành thành phần quan trọng trong vũ khí được sử dụng bởi lực lượng Nga ở Ukraine, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh hoàng gia Anh (RUSI) cho biết.
Báo cáo có tựa đề “Operation Z: The Death Throes of an Imperial Delusion (Chiến dịch Z: Thất bại của sự ảo tưởng mạnh mẽ)”, nêu chi tiết cách các công ty ở Ấn Độ và Trung Quốc trở thành trung gian cho phép Điện Kremlin mua các chip điện tử và bảng mạch do Anh sản xuất, một thành phần quan trọng của tên lửa hành trình Nga. Theo RUSI, công nghệ này đang được Nga nhập thông qua một lỗ hổng pháp lý.
Phát biểu trong chuyến công du chính thức tới Ấn Độ vào tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định chính phủ của ông sẽ nỗ lực để đóng những lỗ hổng pháp lý trên.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng nước Anh không cho phép bất kỳ sơ hở dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi sẽ thực hiện mọi bước để đảm bảo rằng các công nghệ của London không bị lọt qua các tuyến đường khác để đến Nga”.
Báo cáo của RUSI bao gồm một nghiên cứu chi tiết về quá trình Nga sử dụng các thiết bị điện tử phương Tây để chế tạo tên lửa hành trình 9M727, tên lửa hành trình Kh-101, tên lửa 300mm dẫn đường 9M949, hệ thống phòng không TOR-M2 và radio Aqueduct.
Cùng với Anh, báo cáo cũng có sự xuất hiện của các công nghệ từ Mỹ, Đức, Hà Lan, Nhật Bản và Israel.
Báo cáo cho biết: “Hầu hết tất cả khí tài quân sự hiện đại của Nga đều phụ thuộc vào những linh kiện phức tạp được nhập khẩu từ các quốc gia phương Tây”.
RUSI cũng phát hiện ra rằng phần lớn công nghệ được xuất khẩu hợp pháp sang các nước như Ấn Độ để sử dụng cho những mặt hàng khác, nhưng sau đó được bán cho Nga, nơi nó được sử dụng cho mục đích quân sự.
Báo cáo nhấn mạnh “Nga đã thiết lập cơ chế để “rửa” những mặt hàng này thông qua các nước thứ ba”.
Các tác giả của báo cáo, những chuyên gia quốc phòng, Tiến sĩ Jack Watling và Nick Reynolds, viết: “Các nước phương Tây phải tiến hành đánh giá kỹ lưỡng việc những công ty của họ đang cố ý hoặc vô tình cung cấp cho Nga các linh kiện quan trọng, từ đó cắt những kênh này”.
Tuy nhiên, báo cáo nói thêm rằng, nếu phương Tây chỉ đơn giản là cắt nguồn cung và do đó làm giảm khả năng tiếp cận các công nghệ này cho những mục đích hợp pháp, thì động thái này chắc chắn sẽ “củng cố lập luận của Nga rằng phương Tây sẵn sàng gây ra nỗi đau kinh tế toàn thế giới vì mục đích trừng phạt Nga. Việc này sẽ làm giảm mức độ tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây”.
Báo cáo cũng phân tích những thất bại của Nga trong giai đoạn đầu của chiến dịch ở Ukraine.
Nghiên cứu kết luận rằng các vấn đề nguồn cung hậu cần, thông tin tình báo hạn chế và sử dụng hỏa lực pháo kém là những lý do khiến Tổng thống Vladimir Putin buộc phải từ bỏ cuộc tấn công vào Kiev.
Tuy nhiên, báo cáo tuyên bố rằng việc bổ nhiệm một chỉ huy mới của lực lượng Nga, Tướng Aleksandr Dvornikov, có thể đánh dấu một bước ngoặt nguy hiểm trong chiến dịch của nước này.
Các tác giả viết: “Nga nhiều khả năng chiếm Donbass, nhưng Ukraine không thể chấp nhận ngừng bắn theo các điều khoản này, vì như vậy sẽ cho phép hợp nhất các lợi ích của Nga và tạo cơ hội cho nước này thôn tính từng phần Ukraine”.
Báo cáo cảnh báo rằng ông Putin đang chuẩn bị cho “một cuộc chiến lâu dài hơn”.
Hôm 22/4, ông Johnson cho biết ông đồng ý với đánh giá của các quan chức tình báo phương Tây rằng cuộc xung đột có thể kéo dài đến cuối năm 2023. Ông Johnson cũng nói “thực tế” rằng ông Putin vẫn có thể “chiến thắng” trong cuộc chiến ở Ukraine.
Báo cáo của RUSI nhấn mạnh ngày 9/5 – kỷ niệm chiến thắng trước Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai – là ngày quan trọng tiếp theo cần theo dõi. Các tác giả báo cáo của RUSI cho biết Điện Kremlin có thể sử dụng Ngày Chiến thắng để huy động và tuyển mộ thêm hàng nghìn người Nga vào quân đội.
Theo Dân việt