Trên địa bàn tỉnh hiện có 36 nhà máy chế biến mủ cao su và 276 trang trại chăn nuôi công nghiệp hoạt động, trong đó có 80 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường do cấp tỉnh phê duyệt; 232 dự án do cấp huyện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra, hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi triển khai dự án.
Đối với các nhà máy chế biến mủ cao su, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, qua các đợt thanh tra, kiểm tra về môi trường định kỳ hằng năm do Sở Tài nguyên – Môi trường phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện cho thấy phần lớn đã có ý thức chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường như: xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất rắn để xử lý các chất thải phát sinh. Nước thải sau khi xử lý cũng được tái sử dụng phục vụ sản xuất hoặc tưới cây, hạn chế thải ra môi trường để giảm thiểu tác động. Tuy nhiên các công trình xử lý chất thải đã xây dựng chưa đúng theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận; hiệu quả của công trình xử lý chất thải chưa cao. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp có công nghệ xử lý nước thải, chất thải lạc hậu, thiếu kinh phí, đầu tư không đồng bộ nên việc quản lý, vận hành các trạm xử lý nước thải, chất thải còn hạn chế, hiệu quả thấp. Ngoài ra, do tính chất thành phần nước thải của ngành chế biến mủ cao su, chăn nuôi gia súc có nồng độ chất ô nhiễm cao, khó xử lý nên một số doanh nghiệp dù đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn nhưng sau một thời gian vận hành thì hệ thống bị xuống cấp, nước thải xử lý không đạt yêu cầu.
Riêng ngành chế biến mủ cao su, theo yêu cầu của UBND tỉnh tại Công văn số 778/UBND-KTN ngày 20-3-2014 về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn xả thải cột A đối với các nhà máy chế biến tinh bột mì và mủ cao su trên địa bàn tỉnh, nhưng do nước thải cao su rất khó đạt được cột A, doanh nghiệp cũng cần đầu tư kinh phí khá lớn và có công nghệ xử lý hiện đại nên rất khó khăn trong triển khai thực hiện. Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 nhà máy chế biến mủ cao su đã xử lý nước thải đạt cột A theo quy chuẩn Việt Nam (QCVN) và được Sở Tài nguyên – Môi trường xác nhận. Các nhà máy còn lại, nước thải sau xử lý mới đạt cột B của QCVN và chưa đạt yêu cầu của UBND tỉnh. Qua kiểm tra, Sở Tài nguyên – Môi trường đã hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục, xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, đảm bảo xử lý các chất thải phát sinh đạt QCVN mới được phép thải ra môi trường. Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-3-2017 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; đồng thời có Công văn số 846 ngày 17-4-2017 về việc đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm mùi hôi từ các nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn tỉnh để UBND tỉnh xem xét.
Để tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường đối với các nhà máy chế biến mủ cao su, trang trại chăn nuôi heo công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên – Môi trường sẽ tăng cường phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
T.N