Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố dự thảo Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành ở Trung ương, địa phương và nhân dân trong cả nước. Ngay sau khi được công bố, dự thảo đã nhận được sự ủng hộ cao của dư luận, nhất là cộng đồng mạng xã hội. Trong số những ý kiến đồng thuận đó, có nhiều người cho rằng, khi bộ quy tắc này được ban hành, sẽ không còn chỗ cho người sáng tạo nội dung “bẩn” đối với trẻ em. Vì trong nội dung của bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã đưa ra các nguyên tắc xử sự chung nhưng rất cụ thể cho 5 nhóm đối tượng, gồm: Trẻ em; phụ huynh, giáo viên, người chăm sóc trẻ; người dùng internet; đơn vị truyền thông, người tạo nội dung trên internet và các nhà mạng.

Khái niệm cụ thể về các thuật ngữ liên quan 

Để ngay sau khi ban hành sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và dễ dàng thực thi, đồng thời để người dân và cộng đồng mạng nhận biết rõ thế nào là hành vi vi phạm, nên bộ quy tắc đã đưa ra những khái niệm về một số thuật ngữ liên quan tới trẻ em trên không gian mạng, như sau: Rủi ro trên không gian mạng là những yếu tố trên không gian mạng (như thông tin, người dùng mạng hoặc các yếu tố khác) có khả năng tác động, gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, quyền riêng tư của trẻ em khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Nội dung độc hại cho trẻ em là những thông tin trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức xã hội, trực tiếp hoặc tiềm tàng nguy cơ gây tổn hại tới thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, sự riêng tư, hay sự phát triển của trẻ em.

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là hỗ trợ trẻ tiếp cận thông tin hữu ích, được sử dụng không gian mạng an toàn – Ảnh internet

Xâm hại trẻ em trên không gian mạng là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, sự riêng tư của trẻ em được thực hiện thông qua mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử nối mạng bao gồm: Đánh cắp thông tin cá nhân của trẻ em; đăng tải thông tin cá nhân của trẻ em mà chưa được sự đồng ý của cha mẹ và trẻ em theo quy định của pháp luật. Xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng: Sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi xâm hại trẻ em liên quan tới tình dục. Sản xuất, sở hữu, mua bán, phát tán hình ảnh, video có nội dung độc hại tới trẻ em, trong đó bao gồm các tư liệu xâm hại tình dục trẻ em. Bắt nạt trực tuyến: Cố tình xúc phạm, đe dọa, làm hại, quấy rối, tấn công hay tẩy chay người khác bằng việc sử dụng phương tiện, nền tảng kỹ thuật số. Dụ dỗ trẻ em: Sử dụng các phương tiện trên không gian mạng để xây dựng lòng tin đối với trẻ em, qua đó nhắm tới mục đích gây hại cho trẻ em.

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là việc thực hiện các biện pháp và hành động phù hợp để bảo đảm trẻ em được sử dụng không gian mạng an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại và bắt nạt trẻ em trên không gian mạng; hướng dẫn và hỗ trợ trẻ em tiếp cận được các thông tin hữu ích và có tính giáo dục trên không gian mạng; trợ giúp trẻ em hoàn cảnh đặc biệt qua không gian mạng.

Tôn trọng quyền của trẻ trên không gian mạng

Theo quy định trong bộ quy tắc này, các đối tượng có trách nhiệm bảo vệ trẻ em phải tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ; ứng xử lành mạnh, tích cực phù hợp văn hóa, thuần phong mỹ tục và phù hợp độ tuổi trẻ em trên không gian mạng. Cụ thể là đối với các bậc cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ… cần tôn trọng quyền tự do cá nhân, bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư của trẻ trên không gian mạng. Trong đó, cần chú ý việc cập nhật các kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; hướng dẫn con em mình những kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội an toàn; hướng dẫn trẻ cách ứng xử trên không gian mạng an toàn, sáng tạo, lành mạnh và có trách nhiệm.

Cũng theo bộ quy tắc này, tất cả mọi người khi tham gia mạng internet, không chia sẻ thông tin không lành mạnh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em như: bạo lực, khiêu dâm, tệ nạn…; không bình luận, không cổ xúy cho các hành vi làm ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, tình cảm của trẻ trên môi trường mạng. Cần giám sát việc sử dụng internet của trẻ, nội dung trẻ tìm kiếm, ứng dụng trẻ sử dụng, mối quan hệ của trẻ trên không gian mạng, những thay đổi bất thường để đảm bảo trẻ luôn được bảo vệ. Khi sử dụng mạng xã hội, người dùng cần tuân thủ các điều khoản sử dụng của nhà cung cấp.

Bộ quy tắc cũng khuyến khích người dùng lan tỏa, chia sẻ các biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, lan tỏa những chương trình về bảo vệ trẻ em đến cộng đồng, phản ánh thông tin không lành mạnh, tiêu cực, các hành vi xâm hại đối với trẻ em cho cơ quan chức năng.

Trách nhiệm của các nhà mạng

Trong nội dung của dự thảo này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đưa ra những quy tắc cụ thể áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, cung cấp nền tảng và sáng tạo nội dung. Theo đó, các đối tượng này cần ưu tiên đặt lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Cụ thể là các đối tượng này phải xây dựng các chính sách, tiêu chuẩn cộng đồng và tiêu chuẩn đạo đức về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có biện pháp kiểm soát độ tuổi, tần suất sử dụng của trẻ em khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ; thiết lập các công cụ kỹ thuật để rà soát, chọn lọc và loại bỏ nội dung độc hại đối với trẻ em; cung cấp và liên tục cải tiến các bộ lọc nội dung, cảnh báo, hạn chế tiếp cận thông tin phù hợp với từng độ tuổi.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần phải xây dựng các nội dung truyền thông phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và tiêu chuẩn cộng đồng; luôn ưu tiên đặt lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Đồng thời, chủ động phát hiện, ngăn chặn các nội dung không lành mạnh, hành vi xâm hại trẻ em; phối hợp ngăn chặn và gỡ bỏ nội dung không lành mạnh đối với trẻ em. Tích cực phát triển các nội dung, ứng dụng thúc đẩy sự phát triển, sáng tạo lành mạnh cho trẻ em. Cung cấp thông tin về các nội dung không lành mạnh, hành vi xâm hại trẻ cho cơ quan chức năng; tích cực ngăn chặn các nội dung, hành vi xâm hại trẻ em khi người dùng phản ánh.

Nhiều năm gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội hay hoạt động giải trí trực tuyến liên tục xuất hiện những nội dung chẳng những không phù hợp thuần phong mỹ tục, mà còn mang tính bạo lực, độc hại cho trẻ em, nhất là với lứa tuổi học sinh tiểu học và THCS. Vì vậy, với những quy định cụ thể về trách nhiệm của gia đình, nhà trường, người dùng internet trong bộ quy tắc này sẽ góp phần tích cực bảo vệ trẻ em cả về thể chất lẫn tinh thần. Đồng thời, khi bộ quy tắc này được thông qua và áp dụng vào thực tế, chắc chắn sẽ không còn những nội dung độc hại đối với trẻ em trên không gian mạng.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : internet

Các tin liên quan đến bài viết