Dự kiến, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ dừng chân tại Ấn Độ và Singapore trên đường tới Biển Đông.
Hãng tin CNN dẫn lời Bộ Quốc phòng Anh hôm 22/5 cho biết, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ được hộ tống trong hải trình dài gần 51.900 km bởi hai khu trục hạm, hai tàu hộ vệ, một tàu ngầm và hai tàu có nhiệm vụ hỗ trợ. Ngoài ra, nhóm tàu chiến này sẽ có thêm sự tham gia của một tàu khu trục Mỹ và một tàu hộ vệ Hà Lan.
Tàu HMS Queen Elizabeth |
HMS Queen Elizabeth là một trong hai tàu sân bay thuộc lớp Queen Elizabeth được nước Anh chế tạo và đưa vào biên chế từ năm 2014. Tàu có chiều dài 280m; sườn ngang rộng nhất là 73m; mớn nước 11m. Trọng tải tối đa tàu này lên tới 65.000 tấn.
Bản thiết kế tàu HMS Queen Elizabeth. |
Tàu cần tới 2 động cơ tuabin khí Rolls-Royce MT-30 và 4 động cơ diesel để hoạt động. Vận tốc tàu có thể đạt 59 km/h với tầm hoạt động lên tới 19.000km.
Động cơ Rolls-Royce MT-30. |
Do tác chiến trên biển, nên HMS Queen Elizabeth được trang bị nhiều loại radar tầm xa có thể phát hiện các mục tiêu trên biển, trên không hoặc dưới mặt biển. Chẳng hạn, loại radar S1850M được trang bị trên tàu có thể theo dõi được 1.000 mục tiêu đối phương ở khoảng cách 400km, cũng như phát hiện các mục tiêu sử dụng công nghệ tàng hình tiên tiến.
Radar S1850M lắp trên HMS Queen Elizabeth. |
Ngoài ra, HMS Queen Elizabeth được lắp đặt radar giám sát không phận Type-997 Artisan có khả năng theo dõi đến 900 mục tiêu ở khoảng cách 200 km.
Radar Type-997 Artisan. |
Hệ thống vũ khí phòng thủ được lắp đặt trên HMS Queen Elizabeth khá đa dạng, với nhiều loại vũ khí như hệ thống Phalanx CIWS bao gồm pháo sáu nòng M61A1 Vulcan cùng radar điều khiển hỏa lực, pháo DS30M Mk2 cỡ đạn 30mm và súng máy nhiều nòng M134 Minigun.
Hệ thống Phalanx CIWS. |
Tuy nhiên điều làm nên sức mạnh của HMS Queen Elizabeth lại nằm ở số lượng máy bay tàu này có thể mang theo, khi khoang thân trong của tàu có thể chứa từ 24-36 tiêm kích F-35 và 14 trực thăng các loại.
Máy bay F-35B cất cánh từ tàu HMS Queen Elizabeth. |
Nguồn: vietnamnet