Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số người tự tử ở Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8 – 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, số người được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Điều đó khiến một bộ phận còn lại tìm kiếm và sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy để “tự chữa”, xoa dịu các dấu hiệu của rối loạn tâm thần dẫn đến bệnh tình ngày càng nặng, thậm chí gây nguy hiểm với xã hội.
Liên tiếp các vụ tự tử vì trầm cảm
Theo một thống kê tại Bệnh viện Tâm thần (TP.HCM), có đến 6% dân số tại TP.HCM mắc bệnh trầm cảm. Vừa qua, tại địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra các vụ tự tử do trầm cảm.
Chỉ trong vòng 1 tuần, tại TP.HCM có 2 phụ nữ nhảy lầu tự tử. Cả hai người đều đang điều trị bệnh trầm cảm.
Trường hợp thứ nhất là chị N.T.A.T. (33 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM). Chị T. tử vong khi nhảy lầu tự tử từ tầng 31 của một chung cư tại quận 7. Người nhà cho biết, chị T. mắc bệnh trầm cảm từ năm 2013 đến nay, đã đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện tâm thần.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh không khả quan, gần đây, chị có nhiều biểu hiện tâm thần nặng hơn và có ý định tự tử. Thấy chị T. có những dấu hiệu tâm lý không bình thường nên người thân đã đến hỗ trợ chăm sóc. Dù vậy, khi người nhà ngủ trong phòng, chị T. đã nhảy lầu tự tử.
Bác sĩ Tạ Vương Khoa đang thăm khám cho một bệnh nhân mắc trầm cảm phải nhập viện điều trị
Trường hợp thứ hai là bà N.T.M.T. (50 tuổi, luật sư, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) cũng nhảy lầu tự tử từ một chung cư cao tầng tại quận Thủ Đức. Thời điểm phát hiện nạn nhân nhảy lầu tử vong, cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện trên bàn làm việc của bà T. có hồ sơ khám bệnh tại một bệnh viện tâm thần. Kiểm tra nội dung hồ sơ cho thấy, bà đang trong quá trình chữa bệnh rối loạn giấc ngủ.
Qua kết quả điều tra ban đầu, cơ quan chức năng nhận định có thể nữ luật sư nhảy lầu tự tử do bị trầm cảm.
Không chỉ xảy ra ở người lớn mà trầm cảm còn xuất hiện ở trẻ em. Gần đây, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cũng kịp thời cứu sống bé gái L.Q. (11 tuổi, ngụ Tiền Giang) uống thuốc ngủ tự tử dẫn đến tình trạng hôn mê, chức năng gan, thận bị ảnh hưởng.
Khai thác bệnh sử, các bác sĩ được biết bé Q. buồn vì cho rằng cha mẹ thương em gái út hơn mình, ít la mắng, ít đánh em hơn. Cha mẹ còn cho em chơi điện thoại nhiều hơn và tổ chức sinh nhật cho em còn Q. thì không được. Ngoài ra, khi đến trường, Q. bị bạn bè chê xấu, đen, không chơi cùng. Do đó, Q. đã để dành tiền tiêu vặt mua 1 lọ thuốc ngủ giá 70.000 đồng để tự tử.
Theo bác sĩ Tạ Vương Khoa, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, nguyên nhân trầm cảm trong đa số trường hợp do tác động từ ngoại cảnh bên ngoài liên quan đến vấn đề gây ra những sang chấn tâm lý cho bệnh nhân.
“Bệnh nhân có những khó khăn, thất bại trong công việc, xung đột dai dẳng trong gia đình hay biến cố xảy đến đột ngột… Ngoài ra, có những nguyên nhân khác như sử dụng chất gây nghiện ma túy, nghiện rượu lâu ngày, trẻ em thanh niên chơi game kéo dài, thời kỳ hậu sản, những bệnh lý não như u não, tai biến mạch máu não gây trầm cảm”, bác sĩ Khoa lưu ý.
Chủ động kết thúc mạng sống
Bác sĩ Tạ Vương Khoa cho biết, người bệnh trầm cảm sẽ có các triệu chứng rối loạn về giấc ngủ. Đa số mất ngủ, giảm tập trung chú ý, không tập trung vào công việc, chán ăn, sút cân. Bên cạnh đó, đa số người trầm cảm vận động đi, đứng, nói chuyện rất chậm chạp, một số có trạng thái hưng phấn kích thích.
“Đặc biệt, triệu chứng đáng ngại cũng thường xảy ra ở người trầm cảm là họ tự cho rằng mình là người vô dụng, bất lực, cảm thấy bản thân như gánh nặng cho gia đình và xã hội nên tích tụ lâu dài khiến họ muốn kết liễu đời sống”, bác sĩ Khoa nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Khoa, trầm cảm có 3 mức độ. Trong đó, mức độ nhẹ thông thường không ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Với những người mức độ trung bình đến nặng hầu như không làm được việc gì, không thể giao tiếp…
Tuy nhiên, bất kỳ bệnh trầm cảm nào dù nhẹ, trung bình hay nặng thì bệnh nhân đều có nguy cơ tự sát. Ý định và hành vi tự tử có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong bất kỳ giai đoạn nào của bệnh trầm cảm.
“Có thể một người chưa từng có ý tưởng tự sát nhưng ở thời điểm đó, họ nảy sinh ra ý tưởng tự sát và thực hiện hành vi tự sát. Cũng có thể sau sau nhiều lần có ý tưởng, người ta mới thực hiện. Về nguyên tắc chung, một người bị trầm cảm thì người thân, bác sĩ phải luôn luôn để ý đến việc người này sẽ tự sát bất cứ lúc nào. Vì vậy, cần có chế độ điều trị cũng như theo dõi, giám sát cho tốt”, bác sĩ Khoa cho hay.
Để phòng ngừa và chặn đứng nguy cơ người bệnh tự sát, người sống bên cạnh là những người đầu tiên sẽ giúp đỡ, hỗ trợ bệnh nhân tránh được nguy cơ này. Có thể phát hiện ra những dấu hiệu người bệnh có nguy cơ tự sát. Người có dấu hiệu tự sát hoàn toàn chủ động muốn tự kết liễu cuộc sống chứ không phải người tâm thần phân liệt.
Nguồn: vietnamnet