Nữ sĩ Kim Dung (77 tuổi) là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, sống tại xã Bù Nho, huyện Phú Riềng. Bà là vợ và là hậu phương vững chắc của nghệ sĩ Nguyễn Kình. Tuy luôn nhận mình “làm thơ không bằng chồng” nhưng từ các tác phẩm của bà, người đọc cảm nhận được sự dung dị, chất phác, đầy hình ảnh và cảm xúc, nhất là những bài thơ viết về mẹ. Thơ của nữ sĩ Kim Dung phản ánh gần như thực về cuộc đời của mẹ bà, những người phụ nữ cả đời vì gia đình, vì chồng, con và lặng thầm đóng góp cho quê hương, đất nước.
HÀNH TRANG VÀO ĐỜI LÀ TÌNH YÊU CỦA MẸ
Đến nay, bà Kim Dung đã xuất bản được 2 tập thơ, in chung cùng nghệ sĩ Nguyễn Kình, đó là tập thơ Tình quê (Nhà xuất bản Lao Động, in năm 2005) và Sóng nổi (Nhà xuất bản Thanh Niên, in năm 2018). Tuy gia tài thơ của mình không đồ sộ nhưng với bà, đó là tất cả tình cảm của bản thân đối với cuộc sống này. Với thái độ sống nghiêm túc, chân thành của một nhà giáo, thơ Kim Dung nói về tình yêu hay gia đình, chuẩn mực nghề nghiệp và có tính giáo dục cao. Những vần thơ của bà không khô cứng, sáo rỗng mà đầy hình ảnh và cảm xúc, nhất là chủ đề về mẹ: “Mẹ tôi vất vả nhiều bề/Chèo non vượt biển trăm nghề long đong/Kén vàng rút ruột trống không/Hóa thân thành tấm lụa hồng che tôi” hay “… Mẹ tôi như hạt thóc rang/Quắt thân để nở cốm vàng nuôi tôi”… (Mẹ tôi – Tình quê).
Nữ sĩ Kim Dung với niềm vui thưởng thức thơ tại nhà
Đọc thơ Kim Dung, những ai xa mẹ đều cảm thấy nhói lòng, bởi đó không chỉ là tình cảm yêu thương, nỗi nhớ mong mà còn là lòng biết ơn vô hạn của người con đối với mẹ. Nhà thơ Kim Dung cho biết: Tất cả những gì tôi viết trong thơ chỉ thể hiện được một phần vất vả trong suốt cuộc đời mẹ. Bởi gia đình tôi có 10 người con, toàn bộ gánh nặng con cái, kinh tế đều trĩu nặng trên vai mẹ. Hình ảnh tảo tần của bà đã in sâu vào tâm trí đến nỗi tôi nhìn đâu cũng thấy bóng dáng mẹ. Vậy nên hình ảnh con tằm, tấm áo hay hạt lúa đi vào thơ cũng tự nhiên như tình cảm của bản thân dành cho mẹ. Chính sự đức hạnh, hy sinh của mẹ dành cho chồng, con đã nuôi dưỡng tâm hồn Kim Dung. “Mẹ là ánh sáng mặt trời/Nhặt từng giọt nắng suốt đời cho con” (Hoa dâng mẹ – Sóng nổi). Và mặc dù có lúc cho rằng “Làm mẹ khó lắm ai ơi” nên Kim Dung báo hiếu bằng cuộc sống gia đình hạnh phúc, viên mãn với chồng, con.
Chị Bùi Thị Biên Linh, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhận xét: Nữ sĩ Kim Dung và nghệ sĩ Nguyễn Kình là cặp đôi được nhiều văn nghệ sĩ trong tỉnh nể trọng, bởi họ có lối sống đẹp. Họ luôn gắn bó thủy chung trong cuộc đời và sáng tạo nghệ thuật, lấy đó làm nền tảng cho sự ra đời của những tác phẩm đẹp. Thơ của Kim Dung hiền hậu và thơm thảo, cảm xúc thơ chân thành, ý thơ sâu sắc được chắt lọc từ những trải nghiệm cuộc đời và được diễn đạt bằng những hình ảnh có sức lay động trái tim người đọc.
YÊU THƯƠNG, BAO DUNG VÀ NHƯỜNG NHỊN
Dù tuổi đã cao nhưng vợ chồng bà Kim Dung luôn dành cho nhau cách xưng hô nhẹ nhàng và âu yếm như thời trai trẻ. Bà Kim Dung giải thích: Tôi với chồng vẫn gọi nhau là anh và em. Gọi nhau tình cảm như vậy mãi sẽ thành thói quen, hơn nữa vợ chồng tôi cũng thích như thế!
Vợ chồng ông bà Nguyễn Kình vào Bình Phước lập nghiệp từ năm 1987. Lúc đó do điều kiện khách quan, nghệ sĩ Nguyễn Kình phải tạm gác đam mê hội họa để cùng vợ – nhà giáo Kim Dung làm kinh tế nuôi 4 người con. Bà Kim Dung định hướng cho các con đều học sư phạm. Đến 15 năm sau, khi con đều “yên bề gia thất”, kinh tế ổn định, vợ chồng bà mới toàn tâm quay lại với thi ca, hội họa và lấy đó làm niềm vui cuộc sống. Nhà thơ Kim Dung tâm sự: Hằng ngày, vợ chồng tôi vẫn cùng nhau nhận làm vòng hoa, viết câu đối, vẽ tranh mừng thọ, vẽ giáo cụ cho giáo viên hoặc vẽ chân dung khi có khách đặt hàng. Tuy làm những việc này thu nhập không nhiều nhưng chúng tôi thấy vui vì không phụ thuộc con cháu, lại thỏa mãn đam mê.
Nữ sĩ Kim Dung cho rằng, bí quyết giữ “lửa” gia đình của bà vẫn chỉ gói gọn trong các chữ “yêu thương, bao dung và nhường nhịn”, vốn đã được mẹ bà truyền lại cho con. Tuy cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi nhưng bà Kim Dung luôn dặn mình và các con “trong hôn nhân phải lấy thủy chung làm trọng, trong ứng xử hãy lấy nhẫn nhịn, bao dung mà giữ mình”. Chính sự chuẩn mực của ba mẹ đã giúp gia đình các con của ông bà vượt qua bao sóng gió, yên ấm cho đến nay. Nghệ sĩ Nguyễn Kình rất hãnh diện về tính chịu khó của vợ và tri ân bà qua bài thơ Cảm ơn bà (Tình quê) với các câu thơ nồng ấm: “Tôi cảm ơn bà đã cho tôi/ Cơm ngon canh ngọt suốt cuộc đời/ Đệm êm chăn ấm tình sâu nặng/ Dệt thắm duyên ta đến tuyệt vời”…
Thơ Kim Dung viết về mẹ dễ đi vào lòng người bằng nhiều hình ảnh quen thuộc của làng quê như hạt lúa, con tằm, tấm áo… Nhưng sự đơn sơ, mộc mạc ấy đã chuyển tải gần như trọn vẹn niềm sâu sắc trong tình cảm của mỗi người đối với mẹ. Vần thơ của bà Kim Dung đã mang đến cuộc sống những thông điệp ý nghĩa về gia đình, tình yêu, hạnh phúc mà ai cũng dễ dàng cảm nhận được.
Theo Báo Bình Phước