Phân tích về nguyên nhân đội vốn so với dự toán, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định là do chất lượng lập, thẩm định dự án đầu tư.
Theo báo cáo của bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gửi tới các đại biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, cả 5 tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM và Hà Nội đều đội vốn, chậm tiến độ.
Cụ thể, có 3 dự án do Hà Nội và TP.HCM làm chủ đầu tư gồm Nhổn – Ga Hà Nội; Bến Thành – Suối Tiên, Bến Thành – Tham Lương; 2 dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư gồm tuyến Cát Linh – Hà Đông và Yên Viên – Ngọc Hồi.
Theo Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, các dự án đường sắt đô thị đều là các dự án lớn với công nghệ phức tạp, lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, do đó chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện. Năng lực và kinh nghiệm quản lý thực hiện của chủ đầu tư đối với các dự án lớn về lĩnh vực đường sắt đô thị rất mới và còn hạn chế.
Các dự án đường sắt đô thị liên tục đội vốn “siêu khủng”. Ảnh minh họa
|
Phân tích về nguyên nhân đội vốn so với dự toán, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định là do chất lượng lập, thẩm định dự án đầu tư. Trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư và Tư vấn lập dự án khi tính toán tổng mức đầu tư không đúng với tình hình thực tế, phải liên tục điều chỉnh.
Ngoài ra, do thay đổi quy mô xây dựng so với thiết kế cơ sở được duyệt trước đây dẫn đến tình trạng tăng tổng mức đầu tư.
Chậm kéo dài giải phóng mặt bằng, vướng mắc di chuyển hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi, cây xanh… cũng là nguyên nhân dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, ảnh hưởng đến yếu tố trượt giá các dự án.
“Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khách quan như biến động lớn về giá đầu vào xây dựng, tỷ giá hối đoái thay đổi làm tăng tổng mức đầu tư của dự án; xử lý kỹ thuật, xử lý lún kéo dài, điều kiện địa chất phức tạp, thời tiết không thuận lợi cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.
Trao đổi thêm, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, về nguyên tắc, sử dụng vốn ODA là thu hút công nghệ, kinh nghiệm của quốc tế nên các nhà thầu tư vấn của quốc tế lập dự án và các cơ quan của ta xem xét phê duyệt. Tuy nhiên, chúng ta đã không lường hết được từ khâu đầu đến khâu cuối dự án.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, do đây là dự án rất lớn, phức tạp nên từ lúc phê duyệt cho đến khi triển khai thực hiện đã điều chỉnh tăng vốn rất lớn.
Ông dẫn chứng tuyến đường sắt đô thị thứ nhất của TP.HCM đã tăng từ 17 nghìn tỷ lên khoảng 47 nghìn tỷ đồng. Dự án đường sắt của Hà Nội cũng tăng khoảng 40-50 nghìn tỷ đồng.
“Ở đây là chúng ta tính chưa hết, tính chưa đầy đủ, nhưng chưa triển khai nên đội vốn cũng ở chừng mực thôi. Tất nhiên là càng kéo dài chi phí càng phát sinh là đúng rồi.
Việc điều chỉnh vốn đã kéo theo 4 hệ luỵ lớn mà hiện chúng ta phải xử lý là nguồn vốn ở đâu, thẩm quyền phê duyệt thế nào, có vào kế hoạch trung hạn hay không, khả năng cấp phát và vay lại của địa phương”, Bộ trưởng KH&ĐT nói.
Được biết, với tính chất thi công dễ nhất (không có đoạn đi ngầm) và được khởi công từ sớm, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được ví như bảo tàng về kinh nghiệm thất bại khi đội vốn hơn 2 lần, hạn khánh thành bị kéo dài đã hơn 4 năm.
Bên cạnh Cát Linh – Hà Đông, các tuyến metro khác có thời gian khởi công tương đương nhưng đến nay cũng đều rơi vào cảnh đội vốn, chậm tiến độ.
Cụ thể, tuyến Bến Thành – Suối Tiên khởi công tháng 8/2012 (muộn hơn Cát Linh – Hà Đông 10 tháng), dự kiến năm 2017 khánh thành nhưng sản lượng thi công mới đạt 66,79%. Đây cũng là tuyến metro đội vốn “khủng” từ 17.400 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng.
Tuyến Bến Thành – Tham Lương cũng chung cảnh ngộ khi tổng vốn bị đội lên 47.891 tỷ đồng so với dự toán được phê duyệt ban đầu là 26.116 tỷ đồng.
Đến nay, dự án mới hoàn thành gói CP1 (xây dựng tòa nhà văn phòng, khu depot) đang nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng; các gói thầu còn lại đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu.
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến Bộ Tài chính thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh.
Tuyến khởi công sớm nhất là Nhổn – Ga Hà Nội (từ 10/10/2010, dự kiến 2018 hoàn thành) mới đạt tổng tiến độ chung dự án trên 55% và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022.
Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đang hoàn thiện báo cáo thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.
Đội vốn “khủng” nhất so với dự toán ban đầu phải kể đến tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi (từ 9.197 tỷ lên 81.537 tỷ đồng). Dự án đến nay vẫn chưa thể khởi công. Tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ gói thầu cập nhật thiết kế kỹ thuật, dự toán… Bộ GTVT đang chờ báo cáo tổng thể dự án với Quốc hội để thực hiện các nội dung công việc tiếp theo.
Theo doisongphapluat.com