Ở Hàn Quốc, các băng đảng thanh niên không đáng lo bằng những “tội phạm tóc bạc”: 5 năm qua, tỉ lệ người già trên 65 tuổi phạm tội tăng 45%; giết người, hãm hiếp, cướp của tăng 70%… Kỳ lạ hơn, vô tù họ lại sợ bị… ra tù.
Đó là số liệu chính thức từ nước này, tỉ lệ người già trên 65 tuổi phạm tội tăng 45% trong vòng 5 năm qua.
Tháng trước, cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ một ông lão 70 tuổi hành hung người giao hàng vì chuyển hàng chậm trễ. Tuy nhiên hóa ra ông đã nhận hàng từ hai hôm trước nhưng quên mất.
Trước đó ít lâu, một bô lão khác giết chết hai nhân viên công và làm bị thương một người khác vì một tranh cãi và một cụ bà bị phát hiện đổ thuốc trừ sâu vào món cá phục vụ trong một sự kiện khu phố.
Khoảng 14% dân số Hàn Quốc trên 65 tuổi, đưa nước này vào danh sách “xã hội lão hóa” của Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, dù sống lâu hơn, họ lại không có đủ khả năng tài chính để nuôi mình. Khoảng 60% người già Hàn Quốc không đủ điều kiện hưởng lương hưu, vốn chỉ được triển khai từ 1988 và áp dụng bắt buộc từ những năm 1990.
Năm 2017, một nửa người già Hàn Quốc sống ở mức nghèo.
“Không có việc làm cho phép người già đóng góp cho xã hội, họ cảm thấy bị mất kết nối và dẫn đến việc oán giận người khác, chán nản và có hành vi chống xã hội” – CNN dẫn lời giáo sư – nhà tội phạm học Cho Youn Oh thuộc Đại học Dongguk, Seoul, nhận định.
“Sự cô lập và cảm giác không còn gì để mất có thể khiến họ mất kiểm soát và hành động thiếu suy nghĩ. Những người có kết nối với xã hội thông qua gia đình và việc làm thường có khuynh hướng tự kiểm soát tốt hơn – điều ngăn họ không phạm tội” – giáo sư Cho nói.
Tình trạng tội phạm tóc bạc gia tăng cũng gây khó cho các nhà tù. Các tù nhân lớn tuổi thường không ít thì nhiều đều gặp các vấn đề về trí nhớ, ung thư, bệnh thân … “Không chỉ họ có sức khỏe yếu hơn, mà khi giam họ chung với các tù nhân trẻ, khả năng xảy ra xung đột, đánh nhau cũng cao hơn do khác biệt về thế hệ và văn hóa” – phó giám đốc Lee Yun Hwi của Viện cải tạo Nambu ở Seoul nói.
Sau khi ra tù, việc tái hòa nhập lại là một vấn đề hóc búa khác khi 30% người già tái phạm tội, cao hơn mức trung bình 20%.
Theo giới chuyên gia, cần có sự thấu hiểu của xã hội về những gì mà người già đang phải đối mặt để đưa ra những chính sách, biện pháp hỗ trợ họ tốt hơn.
Trước khi có giải pháp, nhà tù hiện nay được coi là nơi nương náu lý tưởng cho người già Hàn Quốc, một nơi có chỗ để ngủ, có cơm ăn. “Có những tù nhân ở từ 10 đến 15 năm sợ được phóng thích vì họ chẳng có nơi nào để đi” – một tù nhân cho biết.
Đến năm 2025, Hàn Quốc sẽ trở thành “xã hội siêu già” tương tự như Nhật Bản.
Trước đó, Nhật Bản cũng từng chứng kiến tình trạng tương tự khi dân số lão hoá nhanh. Cô đơn, thất nghiệp và không người chăm sóc, ngày càng nhiều người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi “an cư”. Tỉ lệ phạm tội và tái phạm ở người cao tuổi tăng nhanh phản ánh một vấn đề của xã hội hiện đại Nhật Bản.