Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua… Những câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên nhắc tới một nét đẹp truyền thống của ông cha – phong tục xin chữ ngày xuân. Tại hội chợ hoa xuân năm 2016 ở thị xã Đồng Xoài, có những ông đồ trẻ cặm cụi ngồi viết thư pháp tặng khách du xuân đã tôn thêm vẻ đẹp truyền thống của ngày tết cổ truyền…
Xin chữ ngày tết là nét đẹp truyền thống của dân tộc ta và ông đồ ngày xưa rất được trọng vọng. Ngày nay, tục xin chữ ngày tết đã bị mai một nhưng một số tỉnh phía Bắc vẫn còn lưu giữ trong phiên chợ xuân. Năm nay, tại hội chợ hoa xuân Bính Thân 2016, tổ chức ở đường Hai Bà Trưng, thị xã Đồng Xoài có hai ông đồ trẻ ngồi cho chữ.
Ông đồ trẻ Nguyễn Văn Đồng đang miệt mài viết chữ thư pháp
Ông đồ Nguyễn Văn Đồng (1986) quê Nghệ An, vốn đam mê thư pháp từ nhỏ nên tốt nghiệp chuyên ngành mỹ thuật, Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, Đồng đã học thư pháp. Năm 2009, anh Đồng vào Bình Phước lập nghiệp. Là cán bộ phụ trách văn hóa thông tin của UBND phường Tân Thiện (Đồng Xoài), anh luôn được cấp trên tín nhiệm giao trọng trách vẽ tranh của phường. Những năm qua, phường Tân Thiện luôn dẫn đầu các cuộc thi vẽ tranh, báo tường. Đặc biệt năm 2015, phường đoạt giải nhất hội trại tòng quân và hội thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ ở nội dung thi vẽ tranh, khi có sự tham gia của anh. Nói về nghệ thuật thư pháp, anh Đồng cho hay: “Lúc đầu, khi tập viết thư pháp, tôi phải dùng bút chì tô theo những kiểu chữ có sẵn. Khi đã quen mặt chữ và thành thục trong nét bút, tôi chuyển qua dùng bút lông để viết. Chữ nghĩa, bố cục chưa được ổn, lĩnh hội chưa đủ, tôi tìm tòi, học hỏi trên mạng và bắt đầu biết nguyên lí của thư pháp nên viết tốt hơn. Chữ dần có nét, có hồn hơn”.
Rời gian hàng thư pháp thầy đồ Nguyễn Văn Đồng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một thầy đồ trẻ khác đang cặm cụi viết thư pháp cho khách du xuân. Đó là anh Lê Đức Trình (1987). Anh Trình quê xã Bình Thắng (Bù Gia Mập) nhưng sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực mỹ thuật, xây dựng. Anh Trình cho hay, tết năm nào anh cũng về Đồng Xoài tham gia lễ hội hoa xuân nhưng năm nay anh quyết định về mở gian hàng ký họa thư pháp.
Qua lời kể, anh Trình tốt nghiệp Đại học kiến trúc, lĩnh vực xây dựng. Tại thành phố Hồ Chí Minh, anh đảm nhận các khâu trang trí nội thất, vẽ phong cảnh, tạo thiết kế hoa viên, quán cà phê, biệt thự… Anh Trình nói: “Kiến trúc ở Đồng Xoài cứ na ná “vuông vuông hình hộp, thoai thoải hình chum” nên không có bất kỳ một dấu ấn nào ngoài tường xây, mái tôn, cửa sắt… Còn ở các đô thị lớn, để xây được một căn nhà, biệt thự người ta tính toán nhiều phương án thiết kế, nhất là khâu nội thất… phải hợp với phong thủy của gia chủ”. Vì đặc điểm này nên nghề của anh Trình ở Bình Phước chưa phát triển. Xuân này, anh đến hội chợ hoa viết thư pháp, vẽ chân dung cho du khách cũng là một cách vừa phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống vừa quảng bá về nghề.
Theo anh Trình, từ xa xưa, người Việt đã có truyền thống xin chữ, rước chữ, chơi chữ và thờ chữ, thể hiện nét đẹp văn hóa và hiếu học. Truyện “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân đã phác họa đầy đủ nét đẹp văn hóa đó. Trong dân gian, chơi chữ và xin chữ các ông đồ thường vào dịp lễ, tết. Tùy theo nguyện vọng của người xin chữ, năm mới cầu mong điều gì nhất người ta sẽ xin chữ đó. Xưa viết thư pháp trên giấy dó bằng mực Tàu hoặc chất liệu tre ghép hay tấm gỗ, phiến đá… Ngày nay, chất liệu cũng không khác mấy nhưng trong dịp tết vẫn chủ yếu là viết trên giấy màu đỏ với nét mực màu đen. Còn các chất liệu bằng tre ghép hay tấm gỗ, phiến đá… được cách điệu trong phong thủy. Tuy ông đồ ngày nay không còn mang vẻ thâm Nho như trước và người xin chữ cũng không nhiều nhưng sự có mặt của các ông đồ trẻ trong dịp lễ tết đã làm không khí ngày xuân thêm rộn ràng. Mong rằng, ông đồ cho chữ ngày xuân vẫn mãi là nét đẹp trong văn hóa ngày tết của dân tộc Việt.
Thành Nguyện