Sở GD-ĐT TP.HCM một lần nữa yêu cầu tuyệt đối không được dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. Giáo viên không chạy theo thành tích, đảm bảo chất lượng học sinh lên lớp. Giáo viên nào ép học sinh học thêm sẽ bị xử lý nghiêm.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM vừa kí văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.

Văn bản nêu rõ, trong thời gian qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đi nắm tình hình thực tế tại một số trường tiểu học trên địa bàn về hoạt động dạy học và giáo dục, trong đó có hoạt động dạy thêm, học thêm, đồng thời ghi nhận một số phản ánh từ giáo viên, phụ huynh.

Yêu cầu tuyệt đối không dạy thêm, học thêm ở tiểu học
TP.HCM cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học

Qua đó, Sở Giáo dục yêu cầu Trưởng các Phòng GD-ĐT tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn bản có liên quan về dạy thêm, học thêm cho toàn thể cán bộ, giáo viên trên địa bàn.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT, các quy định của UBND thành phố và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định về dạy thêm, học thêm. Xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên ép học sinh học thêm dưới bất cứ hình thức nào.

Sở cũng yêu cầu nâng cao chất lượng học tập của học sinh, đặc biệt là học sinh gặp khó khăn trong học tập. Cụ thể hiệu trưởng các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm tra công tác chuyên môn của giáo viên bằng nhiều hình thức: dự giờ, dự các buổi sinh hoạt chuyên môn, kiểm tra kế hoạch bài học, nhật kí dạy học, hồ sơ đánh giá học sinh,… để hỗ trợ giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, tiến tới nâng cao chất lượng học tập của học sinh.

Không chạy theo thành tích, đảm bảo chất lượng học sinh lên lớp

Đối với giáo viên phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy phẩm chất và năng lực học sinh, đặc biệt chú trọng dạy học phân hoá đối tượng.

Chú trọng xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài học cụ thể, phù hợp với từng đối tượng học sinh, đặc biệt quan tâm tới đối tượng học sinh gặp khó khăn trong học tập.

Xây dựng kế hoạch phụ đạo cho học sinh gặp khó khăn trong học tập, giúp các em tiến bộ.

Trong trường hợp cần thiết, tổ chức rà soát, kiểm tra chất lượng học sinh, tuyệt đối không chạy theo thành tích, đảm bảo chất lượng học sinh khi lên lớp.

Giáo viên phải làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh bằng nhiều hình thức. Thông qua cuộc họp cha mẹ học sinh, cần giải thích, hướng dẫn để phụ huynh hiểu những thuận lợi, khó khăn của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học, tạo niềm tin và tâm lý sẵn sàng hỗ trợ con em ở nhà cho phụ huynh. Tạo điều kiện cho phụ huynh gặp gỡ giáo viên sau các buổi học nếu phụ huynh có nhu cầu.

Với những học sinh tiếp thu bài chưa như mong muốn, giáo viên cần chủ động mời phụ huynh đến để trao đổi, tư vấn, hướng dẫn, bàn biện pháp phối hợp với phụ huynh để giúp các em tiến bộ.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Daỵ thêmHọc thêmSở GD-ĐTtiểu họcTP HCM

Các tin liên quan đến bài viết