Sau khi được tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ, Lê Thị Liễu hướng dẫn khách mặc trang phục lịch sự, học thuộc thông tin liên quan công ty mà họ đứng tên giám đốc, phó giám đốc để tránh bị phát hiện…
Hôm nay (20/5), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ môi giới, tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài theo chuyên cơ đưa Chủ tịch Quốc hội sang thăm Hàn Quốc vào cuối năm 2018.
Tối cùng ngày, HĐXX tuyên phạt: Lê Thị Liễu (Giám đốc Công ty CP phần GVA) 5 năm tù vì tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài.
Cùng tội danh với Liễu, HĐXX tuyên phạt: Trịnh Bang Dũng, Ngô Xuân Hiếu, Lê Thị Xuân, Nguyễn Thị Lương (đều ở Nghệ An) lần lượt mức án 3 năm tù; 20 tháng tù; 18 tháng tù treo và 18 tháng tù.
Các bị cáo Trần Thị Tuyết (cán bộ Tạp chí Kinh tế và dự báo, Bộ KH&ĐT), Lương Mạnh Hùng (Giám đốc Công ty CP đào tạo và tư vấn giáo dục TD Việt Nam) nhận 20 tháng tù; Trần Phục Hưng (Giám đốc Công ty TNHH MTV tư vấn du học Nhật Bản Bắc Nam): 16 tháng 11 ngày tù (bằng thời gian tạm giam).
Theo cáo trạng, cuối năm 2018, biết được thông tin về việc Bộ KH&ĐT tổ chức Đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội thăm, làm việc tại Hàn Quốc từ ngày 4-7/12/2018, Liễu nhận thấy đây là cơ hội để trục lợi.
Các bị cáo tại tòa |
Bị cáo chỉ đạo nhân viên làm thủ tục, hồ sơ đăng ký khách tham gia đoàn doanh nghiệp đi Hàn Quốc. Trong đó, Liễu tham gia với tư cách là Giám đốc Công ty GVA.
Liễu dùng tư cách pháp nhân công ty của người thân quen, đưa khách vào đứng tên lãnh đạo, nhân viên các công ty này, tạo thuận lợi trong việc xin visa xuất cảnh.
Những người được bị cáo đưa trốn ra nước ngoài trái phép tham gia đoàn với tư cách trợ lý kinh doanh của Công ty Hưng Cúc, Phó Giám đốc Công ty Freshtech Vina, Giám đốc Công ty Hà Phát.
Sau khi được Ban tổ chức tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ, Liễu hướng dẫn khách mặc trang phục lịch sự, học thuộc thông tin liên quan công ty mà họ đứng tên giám đốc, phó giám đốc hoặc nhân viên để tránh bị phát hiện.
Bị cáo thống nhất với khách, khi đến Hàn Quốc sẽ tạo lý do gặp đối tác kinh doanh hoặc đi mua sắm để lấy lại hộ chiếu do Ban tổ chức quản lý, rồi trốn lại Hàn Quốc.
Cáo trạng xác định, lợi dụng chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối đầu tư, kinh doanh với nước ngoài, thông qua việc tham gia cùng các đoàn công tác của lãnh đạo tại nước ngoài của Nhà nước, các bị cáo đã tổ chức, môi giới cho 6 người trốn đi Hàn Quốc.
Trong đó, 4 người đã về Việt Nam, còn 2 người đang trốn ở lại. Liễu thực hiện hành vi phạm tội nhằm mục đích vụ lợi, số tiền thu lời bất chính là hơn 700 triệu đồng.
Cáo buộc cho rằng, bị cáo Trần Thị Tuyết đã tổ chức cho 2 người tham gia đoàn doanh nghiệp xuất cảnh đi Hàn Quốc sau đó trốn ở lại. Bị cáo thực hiện phạm tội nhằm mục đích vụ lợi, thu lời bất chính 48 triệu đồng.
Các bị cáo Ngô Xuân Hiếu, Lê Thị Xuân, Nguyễn Thị Lương chịu trách nhiệm đi tìm người có nhu cầu xuất khẩu lao động để giới thiệu cho Liễu. Theo thỏa thuận, Dũng sẽ thu 11.500 USD/người để ăn chênh lệch.
Nhân vật bí ẩn
Trong vụ án, Hoàng Anh (SN 1986, quê Nghệ An, đang cư trú tại Cộng hòa liên bang Đức) được coi là người đã thông qua chú ruột mình là bị cáo Trịnh Bang Dũng giới thiệu cho Liễu những khách muốn sang Hàn Quốc với chi phí 10.000 USD/người.
Hoàng Anh có dấu hiệu đồng phạm về tội tổ chức, môi giới cho 4 người trốn đi Hàn Quốc. Đến nay, Hoàng Anh cư trú ở Đức, chưa về Việt Nam. Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã tách hành vi của người nay ra khỏi vụ án để điều tra, xử lý sau.
Tại tòa, bị cáo Dũng thừa nhận đã thu tiền của người có nhu cầu xuất khẩu rồi đưa tiền cho Liễu, theo lời nhờ của Hoàng Anh. “Bị cáo thu tiền, chuyển tiền cho Liễu trên cơ sở được Hoàng Anh nhờ. Sau đó làm thế nào, thủ tục thế nào, bị cáo không biết ”, lời khai bị cáo Dũng.
Về phần mình, bị cáo Liễu khẳng định, số tiền hưởng lợi bị cáo buộc là quá cao. Bị cáo mong HĐXX xem xét vai trò của Hoàng Anh vì cho rằng, người này có vai trò rất lớn trong vụ án.
Theo cáo trạng, một trong những nguyên nhân để xảy ra vụ án là do Bộ KH&ĐT chưa quan tâm đến việc xây dựng quy trình, thủ tục để lựa chọn, thẩm định doanh nghiệp tham gia; không có quy định cụ thể về phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức đoàn doanh nghiệp. Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã gửi công văn thông báo cho Văn phòng Quốc hội, Bộ KH&ĐT về sơ hở, thiếu sót trong tổ chức, quản lý đoàn doanh nghiệp đi công tác nước ngoài để có biện pháp khắc phục. |
Nguồn: vietnamnet