Trận hỏa hoạn ngày 10-7 đã thiêu rụi toàn bộ nhà cửa ở một xóm người gốc Việt tại Phnom Penh, Campuchia, đẩy những người vốn đã nghèo khó vào cảnh màn trời chiếu đất.
Xóm Việt Russey Keo nằm khúm núm bên bờ sông Mekong, gần như biệt lập với phần rầm rộ của một Phnom Penh năng động.
Bấp bênh thành xóm
Trên tuyến quốc lộ nối thủ đô với vùng tây bắc Campuhia, thỉnh thoảng lại có những xóm Việt lẩn khuất bên rìa phố xá. Đó là nơi bám trụ của những phận đời lang bạt kỳ hồ.
Những người Khmer gốc Việt được sinh ra ở Campuchia, hoặc là từ Việt Nam sang tìm kế sinh cơ từ nhiều thế hệ, phải hứng chịu những thăng trầm qua từng trạng thái xã hội của đất Campuchia.
Xóm Việt ở Russey Keo (quận Russey Keo, Phnom Penh) với 75 hộ, được hình thành như vậy. Mang danh phận là dân gốc Việt nhưng phần nhiều họ không nhớ nổi nguyên quán của mình.
Bà Huỳnh Thị Nuôi, 47 tuổi, theo cha ngược dòng Mekong sang đây từ bé. Bà lớ ngớ rằng nghe ông già nói quê “tỉnh” Phú Mỹ; bà Trần Thị Hướng (67 tuổi) cũng chỉ nhớ cha mẹ quê Phú Mỹ; bà Trần Thị Quyên (67 tuổi) sinh ra ở Campuchia, và dĩ nhiên cũng không biết ngày xưa, thế hệ trước của mình là ở đâu…
Mặc dù đâu đó có thông tin xóm này sẽ bị giải tỏa để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, nhưng xóm Việt ở Russey Keo vẫn là nơi những người gốc Việt được ổn định: trẻ em được đến trường, người lớn có việc làm, huê lợi từ sông vẫn ưu đãi. Cho đến ngày 10-7…
Đêm hoảng hốt
3h15 ngày 10-7, ngọn lửa phát ra từ nhà của một hộ dân ở giữa xóm, đã bắt nhanh ra các nhà lân cận. Trời hanh, lửa nhanh chóng phủ lên khắp xóm. Những tiếng la khóc vang trời.
Người lớn chỉ kịp nách lấy trẻ em mà chạy về hướng sông; những người khỏe thì dìu người bệnh, người bên ngoài mở đường cho người bên trong…
Hàng trăm người Việt trôi lênh đênh trên dòng Mekong lạnh lẽo, đang chảy chậm về hạ nguồn. Bên trên, xóm nhỏ trở thành ngọn đuốc lớn. Tài sản chắt chiu của những phần đời nổi trôi coi như mất trắng.
“Lúc đó lửa đuổi nhanh lắm. Gặp lúc đang ngủ, chỉ nghe tiếng la mà chạy. Chậm chân coi như chết” – chị Trần Thị Lành, 28 tuổi, kể.
Chồng chị, anh Khol Cươl, 31 tuổi, chạy đi giúp những người già yếu còn mắc kẹt bên trên, giúp họ chạy về hướng sông. “Nhờ vậy mà không ai chết. Do dân xóm này người ta thương nhau” – chị Lành nói.
Gian nan
“Nhà bây giờ còn không có ở, nói chi đến chuyện học” – chị Sray Na, 34 tuổi, nói và cho biết bé Sray Da, 12 tuổi, con chị, cũng như nhiều bé khác trong xóm đã không còn một cuốn sách, cuốn tập nào để đến trường. Nhà đã khó khăn lại thêm chồng chất khó khăn, chị đang định cho bé nghỉ học.
Cạnh đó, chị Nguyễn Thị Lan, 38 tuổi, cơ thể đầy thương tích vì chạy lửa đêm hỏa hoạn, gượng nói chị đang bệnh tật, không tiền mua thuốc thì tiền đâu để làm lại nhà.
Hàng xóm nói chị Lan bị bệnh hiểm nghèo, không làm gì ra tiền. Xóm giềng thương giúp đỡ chị qua ngày. Nhưng giờ ai cũng khó thì biết ai giúp ai.
“Thằng Hiếu 6 tuổi rồi, vậy mà mỗi khi hỏi nhà mình đâu là nó khóc, nó khóc mấy ngày nay” – người mẹ trẻ Trần Ngọc Hương, 28 tuổi, ngồi thất thần trước căn nhà đã bị cháy trống không nơi đầu xóm.
Mấy năm trước, gia đình chị sống trên bè dưới bến sông. Dành dụm được ít nhiều, đôi vợ chồng trẻ mua được khoảnh đất nhỏ cặp bờ sông, cất căn nhà tạm. Khi cuộc sống của gia đình trẻ đang vào ổn định thì ngọn lửa bất ngờ đưa họ trở lại những tháng ngày bấp bênh.
Ông Châu Văn Chi, chủ tịch Hội Khmer – Việt (KVA), cho hay nhờ giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm mà bà con bị hỏa hoạn đã có cái ăn, chỗ trú tạm…
Nhưng điều ông lo nhất là về lâu dài, bà con cần dựng lại nhà để ổn định nơi ở trong mùa mưa. Hội đang vận động các nguồn lực để sớm giúp bà con có nơi ở mới.
Những tấm lòng từ Việt Nam
Sáng 13-7, đoàn cán bộ của TP.HCM do ông Nguyễn Thành Trung, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP làm trưởng đoàn, đã đến xóm nhà của người gốc Việt bị hỏa hoạn ở quận Russey Keo để thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân bị hỏa hoạn số tiền 1 tỉ 50 triệu đồng.
Ông Trung chia sẻ rằng khó khăn lớn nhất của các hộ dân lúc này là sớm dựng lại nhà để ổn định chỗ ở, bắt đầu cuộc sống mới. Vì vậy, số tiền hỗ trợ sẽ được dùng giúp bà con một phần để dựng lại nhà.
Nhân dịp này, báo Tuổi Trẻ cũng trao số tiền 140 triệu đồng cho các gia đình nạn nhân hỏa hoạn. Số tiền được ông Vũ Văn Bình – nguyên phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia TP.HCM – trao tận tay cho bà con chiều 13-7.
Trước đó ngày 11-7, chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã có điện thăm hỏi gửi các gia đình bị hỏa hoạn, đồng thời thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia chuyển 1,4 tỉ đồng để hỗ trợ 70 hộ gia đình có nhà bị hư hỏng hoàn toàn, mỗi hộ gia đình 20 triệu đồng.
Nguồn: tuoitre.vn