“Mong Nhà nước kéo dài thời hạn, mong đừng thanh lý đàn trâu của dự án đã giao cho bà con. Hiện nay, trâu còn đẻ rất tốt, khi nào nó hết đẻ hãy thanh lý” – đó là mong ước của ông Điểu Cần, người đang theo dõi 18 con trâu thuộc dự án hỗ trợ phát triển đàn trâu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp.

Thôn Thiện Cư có 169 hộ đồng bào dân tộc S’tiêng thì có đến 160 hộ đang gắn bó với nghề chăn nuôi trâu. Từ 27 con trâu thuộc dự án do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư cấp cho các hộ đồng bào dân tộc S’tiêng tại thôn Thiện Cư năm 2007, đến nay đã nhân lên 173 con.

Trong số 27 con trâu mẹ bàn giao từ những ngày đầu triển khai dự án, đến nay còn 18 con. Nguyên nhân trâu mẹ bị hao hụt là do những năm đầu đồng bào chưa nắm rõ quy trình, kỹ thuật chăn nuôi dẫn đến chết, gãy chân nên phải thanh lý. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai dự án, đồng bào đã thấy rõ hiệu quả kinh tế từ việc chăn nuôi trâu nên rất vui mừng mỗi khi nhận được trâu của dự án luân chuyển.

Trâu mẹ được chuyển giao từ năm 2007 hiện vẫn sinh sản tốt. Hộ chị Thị Mai sau 2 năm nhận 2 con trâu luân chuyển của dự án đã nhân đàn lên thành 5 con

Trưởng thôn Điểu Ngọc cho biết: Trâu của đồng bào nuôi không phải để kéo cày mà để mua bán mỗi khi trong nhà cần đến tiền. Nhờ dự án cấp trâu cho đồng bào mà nhiều hộ như Thị Mai, Thị Tuyết, Điểu Wư, Điểu Bay… thoát được nghèo đói. Đặc biệt, hộ ông Điểu Đốc cưới vợ cho con, làm nhà, mua đất trồng lúa cũng từ nguồn chăn nuôi trâu. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là đồng bào không biết phơi rơm nên thiếu thức ăn dự trữ cho đàn trâu vào mùa khô.

Bà Trần Thị Thùy Anh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư cho biết: Số trâu của dự án chuyển giao cho đồng bào thôn Thiện Cư đến nay đã 10 năm. Theo kế hoạch của dự án, số trâu này phải được thanh lý từ năm 2013. Do thấy trâu còn sinh sản tốt và người dân rất mong muốn giữ lại nên dự án mới kéo dài đến nay. Hiện đã đến thời hạn phải thanh lý theo đúng nội dung, kế hoạch của dự án.

“Năm 2013, mỗi con trâu khi mang đi thanh lý qua trung tâm đấu giá tài sản chỉ ở mức bình quân 10 triệu đồng. Những con trâu còn sinh sản tốt cần giữ lại và tiếp tục đầu tư, tạo lập “Ngân hàng trâu” để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống” – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Trần Thị Thùy Anh kiến nghị.

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : 24h Bình Phướcdự án Ngan hàng Trâu

Các tin liên quan đến bài viết