Được mệnh danh là “Einstein thế hệ tiếp theo”, trước mắt Annie Marie Le là cả một tương lai rực rỡ và thành công, nhưng chỉ trong chốc lát tất cả đã thay đổi. Annie bỗng dưng biến mất khi chỉ còn 5 ngày nữa là kết hôn. Không ai có thể ngờ cuộc đời của cô gái tài năng, xinh đẹp lại kết thúc đau đớn như thế. Cái chết của cô khiến dư luận xôn xao và bất bình trong một thời gian dài.
Người đàn ông độc đoán
Trong quá trình điều tra cái chết của Annie Marie Le, cảnh sát suy luận rằng, tại một nơi được bảo mật nghiêm ngặt với 75 chiếc camera theo dõi như phòng thí nghiệm tại Đại học Yale, thì chỉ có sinh viên hoặc nhân viên phòng thí nghiệm được cấp thẻ mới có thể dễ dàng ra vào khu vực này như vậy.
Các nhà điều tra đã thẩm vấn 150 người, trong đó nhiều người liên quan đến khu nghiên cứu này. Cuối cùng, mọi sự tình nghi đều đổ dồn vào một nhân viên kỹ thuật tên là Raymond Clark (24 tuổi).
Raymond Clark lớn lên ở Brandford trong một gia đình công nhân. Jessica Del Rocco, bạn gái hồi cấp 3 của Clark, cho biết người yêu mình là một người độc đoán và thậm chí còn bạo lực. Anh ta luôn ép Rocco phải tránh xa bạn bè, rồi ra lệnh cho cô mặc loại quần áo gì, cách cư xử ra sao.
Rocco còn tiết lộ cô từng buộc tội Clark vì tội cưỡng hiếp cô nhưng lời buộc tội này chưa bao giờ được cảnh sát chú ý tới vì bản thân cô khi ấy vẫn mang danh nghĩa là người yêu của Clark. Từ khi Rocco tố cáo Clark thì anh ta càng trở nên đáng sợ hơn. Rocco phải có người hộ tống từ trường về nhà vì lo sợ Clark sẽ khiến cô gặp nguy hiểm.
Những người hàng xóm hiện tại của Clark cho biết, người này đang ở chung với bạn gái Jennifer Hromadka. Cả hai đã đính hôn và định tổ chức đám cưới vào tháng 12/2011. Clark thường hay la mắng trẻ con và kiểm soát bạn gái rất kỹ. “Cậu ta không bao giờ để cô ấy nói chuyện với bất cứ ai. Tôi thường nghe tiếng la hét ở trong căn hộ đó. Clark quản lý bạn gái chặt chẽ”, một người sống cạnh căn hộ của nghi phạm nói.
Những chi tiết gây chú ý
Sau khi tốt nghiệp, Clark may mắn được nhận vào làm việc trong trường Đại học Yale, nơi nạn nhân Annie Marie Le làm việc. Đầu tiên, Clark được giao làm công việc chùi rửa những đồ thí nghiệm. Sau đó, nhờ có kinh nghiệm và kiến thức về động vật mà anh ta được nhận vào làm nhân viên kĩ thuật trong phòng thí nghiệm nơi Annie làm việc. Công việc thường ngày của Clark là chăm sóc cho những chú chuột thí nghiệm.
Clark cũng là người giám sát những người tới đây làm việc sao cho đúng quy trình và không được làm những con vật thí nghiệm này bị thương. Mọi người cho biết, ở trong phòng thí nghiệm, Clark luôn tỏ ra là người độc đoán và thích đặt ra những điều luật và quy định buộc người khác phải làm theo.
Những công việc thường ngày ấy khiến cho Clark trở thành nghi can đầu tiên khi vụ án mạng xảy ra. Ngoài ra, cảnh sát càng để mắt tới Clark sau khi anh ta không vượt qua được cuộc kiểm tra bằng máy nói dối đồng thời lại có những vết thâm tím và vết xước trên cánh tay, ngực, tai và cả phía dưới mắt. Đây có thể là hậu quả của một cuộc vật lộn với ai đó.
Hơn thế nữa, ghi nhận trong hệ thống cũng cho thấy Clark chính là người cuối cùng dùng thẻ vào phòng thí nghiệm với Annie. Hắn và nạn nhân đã ở bên trong đó khoảng 1 tiếng đồng hồ và chỉ có hắn quay trở ra còn Annie thì không.
Clark một mực phủ nhận tình nghi cho rằng hắn là người cuối cùng gặp Annie. Vào ngày phát hiện xác của nạn nhân, Clark vẫn tỏ ra vô cùng bình tĩnh và còn đi xem thi đấu thể thao ở trường như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Cho đến khi tòa án ra lệnh Clark phải cung cấp mẫu ADN để phục vụ việc điều tra, mọi uẩn khúc mới được sáng tỏ.
Trước khi bị giải đi, tên sát nhân quay về phía gia đình nạn nhân và xin lỗi cho những hành vi độc ác của mình trong tiếng khóc.
Raymond Clark bị giải tới tòa.
Bằng chứng rõ ràng
Tại buổi thẩm vấn đầu tiên, Raymond Clark một mực phủ nhận tình nghi cho rằng anh ta có liên quan đến cái chết của Annie Marie Le. Anh ta cũng phủ nhận việc nhìn thấy Annie vào ngày cô mất tích và để chứng minh điều này, Clark phải làm một cuộc kiểm tra nói dối do các thám tử đưa ra.
Ngay ở câu hỏi đầu tiên, tín hiệu điện tim đồ của Clark đã có dấu hiệu thay đổi. Tuy nhiên, Clark cũng khá tỉnh táo khi yêu cầu dừng buổi thẩm vấn ở đây. Anh ta muốn nói chuyện với luật sư của mình trước khi trả lời bất cứ câu hỏi gì. Điều này giúp Clark kết thúc cuộc chất vấn và được thả ra.
Tuy nhiên, may mắn ấy không tiếp diễn được lâu khi tòa án ra lệnh Clark phải cung cấp mẫu ADN để phục vụ việc điều tra. Song song với đó, cảnh sát vẫn tiếp tục tra hỏi Clark về sự thật của vụ án nhưng anh ta vẫn tỏ ra không hợp tác. Cho đến khi có kết quả xét nghiệm ADN chính thức, mọi uẩn khúc mới được sáng tỏ.
Đối chiếu với mẫu tinh dịch phát hiện tại hiện trường và mẫu máu tìm thấy trên quần áo của Annie và ADN của Clark, tất cả đều hoàn toàn trùng khớp. Ngoài ra cảnh sát đã tìm được tóc của Annie trên quần áo của Clark cũng như ADN của hắn trong cây bút rơi phía dưới thi thể nạn nhân.
Sáng 17/9/2009, cảnh sát tới nhà Clark với lệnh bắt giữ.
Nỗi đau còn lại
Ngày 13/9/2009, xác của Annie Le được tìm thấy và 4 ngày sau, Clark đã bị bắt. Tuy nhiên, mãi cho tới tháng 3/2011, Clark mới cúi đầu thừa nhận toàn bộ tội ác tấn công tình dục và giết hại Annie Le theo một thỏa thuận với các công tố viên để giảm mức án tử hình xuống còn 44 năm tù giam.
Thẩm phán Roland Fasano cho biết, tội ác của Raymond Clark là không thể dung thứ, hắn đã cướp đi cả tương lai đầy hứa hẹn của một cô gái trẻ, đồng thời hủy hoại cuộc sống của rất nhiều người trong cả hai bên gia đình.
Trước khi bị giải đi, Raymond Clark đã bày tỏ sự hối hận muộn màng của mình bằng cách quay về phía 15 thành viên của gia đình nạn nhân và nói trong tiếng khóc: “Hôm nay, tôi đứng đây chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Annie là một cô gái tốt. Tôi thực sự xin lỗi vì đã cướp đi mạng sống của cô ấy và khiến cho nhiều người phải tổn thương”.
Dù vậy, gia đình Annie cho biết, không thể tha thứ cho hành động khủng khiếp đó. Mẹ của Annie, bà Vivian Le vì không thể chịu đựng nổi cú sốc tinh thần nên đã không tham dự phiên tòa cuối cùng này. “Con gái tôi đáng ra đã có một cuộc đời rất hạnh phúc. Con bé đã từng nhiều lần tâm sự với tôi về những dự định sau này của nó nhưng không ngờ ngày dự định tổ chức hôn lễ lại là ngày chúng tôi nhận được hung tin về con. Tôi đã mất con gái vĩnh viễn và sẽ không bao giờ được gặp mặt những đứa cháu của mình nữa rồi”, bà Vivian nói.
Sau cái chết của Annie, trường Đại học Yale đã thành lập một quỹ học bổng mang tên Annie Marie Le. Họ còn dành riêng ngày 12/10 là ngày để tưởng nhớ cô nữ sinh tài năng này.
Nguồn http://danviet.vn/the-gioi/xac-chet-lon-nguoc-trong-hoc-tuong-cua-co-gai-tai-nang-chan-dung-nghi-pham-1075062.html