Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá thế nào về công tác tiêm chủng tại Việt Nam? Trước mô hình bệnh tật của Việt Nam hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cần làm gì?
Trẻ em được tiêm chủng đầy đủ sẽ khỏe mạnh, chống chọi được nhiều bệnh, ít có khả năng bị khuyết tật
Để trả lời những câu hỏi này, báo Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với tiến sĩ Angela Pratt, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.
Chấm dứt bại liệt và uốn ván sơ sinh nhờ tiêm chủng
* Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá thế nào về công tác tiêm chủng tại Việt Nam trong thời gian gần đây? So với các nước trên thế giới, tỉ lệ tiêm chủng của Việt Nam xếp thứ mấy?
– Tiến sĩ Angela Pratt: Kể từ năm 1981, Việt Nam đã thực hiện một chương trình tiêm chủng mở rộng ấn tượng giúp chấm dứt bệnh bại liệt và uốn ván sơ sinh, đồng thời giúp kiểm soát bệnh sởi và các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin khác.
Từ năm 2004 cho đến khi xảy ra đại dịch COVID-19, hơn 90% trẻ em ở Việt Nam đã được tiêm chủng đầy đủ – đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu ở khu vực tây Thái Bình Dương về tỉ lệ tiêm chủng thường xuyên cao.
Trong thời kỳ đại dịch, sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ cùng với những nỗ lực của cộng đồng tại Việt Nam đã giúp bảo vệ cuộc sống của người dân và duy trì phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, kể từ năm 2020, việc tiêm chủng định kỳ cho trẻ em bị gián đoạn đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch.
* Có bao nhiêu loại vắc xin trên thế giới? Những loại vắc xin quan trọng nào chưa có trong chương trình tiêm chủng quốc gia của Việt Nam?
– Hiện thế giới đã có vắc xin phòng nhiều bệnh đe dọa đến tính mạng bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, rubella, bại liệt, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, viêm màng não mô cầu, tả, COVID-19, sốt xuất huyết, haemophilus influenzae týp b (Hib), vi rút gây u nhú ở người (HPV), cúm, quai bị, bệnh phế cầu khuẩn, bệnh dại, tiêu chảy cấp do vi rút Rota, viêm não do ve, thương hàn, thủy đậu, sốt vàng da…
Một số vắc xin khác hiện đang được phát triển và một số chưa được phổ biến rộng rãi trên toàn cầu. Một số vắc xin chỉ được tiêm trước khi đi đến những khu vực có nguy cơ hoặc cho những người làm những công việc có nguy cơ cao.
Riêng chương trình tiêm chủng quốc gia của Việt Nam cung cấp 10 loại vắc xin phòng bệnh bao gồm lao, bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, cũng như viêm phổi, viêm màng não và các bệnh khác do Haemophilus influenzae tuýp b (Hib) gây ra.
Chính phủ Việt Nam đã công bố sẽ mở rộng số lượng các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trong giai đoạn 2021 – 2030. Các vắc xin mới đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia gồm vắc xin phòng tiêu chảy cấp do vi rút Rota, phế cầu khuẩn, ung thư cổ tử cung và cúm, dự kiến đưa vào sử dụng lần lượt vào các năm 2023, 2025, 2026 và 2030.
Tiến sĩ Angela Pratt, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam
Tiêm chủng là khoản đầu tư tốt cho sức khỏe
* Vắc xin có vai trò gì trong việc phòng bệnh?
– Vắc xin vẫn là một trong những câu chuyện thành công đáng chú ý nhất của nhân loại – chúng có thể loại trừ việc mắc bệnh và cứu sống vô số người. Vắc xin làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách kết hợp với hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể để tạo ra sự bảo vệ. Hiện có nhiều loại vắc xin giúp ngăn ngừa hàng loạt bệnh đe dọa tính mạng, giúp mọi người ở mọi lứa tuổi sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn. Tiêm chủng hiện ngăn ngừa 3,5 – 5 triệu ca tử vong mỗi năm do các bệnh như bạch hầu, uốn ván, ho gà, cúm và sởi.
Tiêm chủng cũng là một trong những khoản đầu tư tốt nhất cho sức khỏe mà chính phủ và các gia đình có thể thực hiện. Một trẻ em được tiêm chủng đầy đủ sẽ có nhiều khả năng đi học hơn, có khả năng nhận thức tốt hơn, trở thành công dân có ích cho xã hội và ít có khả năng bị khuyết tật.
* Trước mô hình bệnh tật của Việt Nam hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như các cơ sở tiêm chủng dịch vụ ở Việt Nam cần làm gì?
– Giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, các dịch vụ tiêm chủng thường xuyên ở Việt Nam đã gặp phải những trở ngại đáng kể trong thời gian đại dịch COVID-19 do các dịch vụ y tế bị gián đoạn, các trung tâm y tế đóng cửa. Tỉ lệ tiêm chủng trẻ em của Việt Nam trong giai đoạn này đã sụt giảm nhiều nhất kể từ khi chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia được thành lập vào năm 1981.
WHO đang kêu gọi các nỗ lực tiêm bù, tiêm vét quy mô lớn cho tất cả trẻ em ở Việt Nam đã bỏ lỡ lịch tiêm chủng định kỳ trong đại dịch, khôi phục tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ ít nhất là bằng mức của năm 2019, nhằm tránh bất kỳ đợt bùng phát dịch bệnh nào có thể phòng ngừa được bằng vắc xin tại Việt Nam trong tương lai gần.
Chúng tôi cũng đang tích cực làm việc để tăng cường năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm đảm bảo mọi trẻ em trên cả nước được tiêm chủng thường xuyên đầy đủ trong cả thời điểm hiện tại và tương lai.
Thiếu, cúp điện liên tục, bảo quản vắc xin thế nào?
Trước tình hình thiếu điện, cúp điện liên tục diễn ra hiện nay, ông Nguyễn Hữu Hạnh, giám đốc logistics Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết để đảm bảo vắc xin an toàn trong nhiệt độ lý tưởng, không phụ thuộc vào mạng lưới điện quốc qua, tất cả các kho lạnh của VNVC đều được trang bị ít nhất hai nguồn điện.
Trong tình huống mất điện lưới quốc gia, tất cả các kho lạnh của VNVC sẽ ngay lập tức kích hoạt nguồn điện dự phòng đảm bảo cấp nguồn điện đầy đủ cho kho lạnh 24/24 giờ.
Đồng thời, VNVC luôn có phương án sẵn sàng điều động xe phát điện di động có mặt trong 1 giờ để đảm bảo cấp điện kịp thời trong trường hợp xấu nhất là cả hai nguồn điện kể trên gặp sự cố, tuy nhiên điều này chưa từng xảy ra.
Nguồn: tuoitre.vn