Báo Lao Động & Đời sống số 02, ra ngày 12.1.2017, đăng bài “Vụ cách chức cô Hiệu trưởng ở Bình Phước: Chủ tịch huyện ban hành quyết định trái pháp luật”, phản ánh cô giáo Bùi Thị Phương Minh kiện Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập vì đã ban hành quyết định cách chức hiệu trưởng trái pháp luật, vụ việc có dấu hiệu vi phạm về cơ sở pháp lý.

Cô giáo Bùi Thị Phương Minh – ảnh NVCC

Sau đó, Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Bình Phước yêu cầu huyện trả lời về vụ việc. Tuy nhiên, một lần nữa, không hiểu UBND huyện Bù Gia Mập vì vô tình, hay hữu ý mà vẫn hiểu nhầm các quy định pháp luật!

Huyện vẫn cho rằng có quyền cách chức hiệu trưởng…

Ngay sau khi Báo Lao Động & Đời sống có bài phản ánh vụ việc, Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Bình Phước đã có công văn số 885/STTTT-TTBCXB đề nghị UBND huyện Bù Gia Mập phản hồi thông tin do báo chí nêu. UBND huyện Bù Gia Mập đã có văn bản số 45/UBND-NC (ngày 25.1.2017) báo cáo Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, văn bản này lại thể hiện sự nhầm lẫn đáng tiếc về các quy định pháp luật, khiến cô giáo Minh vẫn bị oan ức chưa được giải tỏa. Công văn trả lời của UBND huyện Bù Gia Mập lại vẫn cho rằng về thẩm quyền xử lý kỷ luật (ở đây là quyết định cách chức cô hiệu trưởng Bùi Thị Phương Minh), thì Chủ tịch huyện Bù Gia Mập là người có thẩm quyền quyết định kỷ luật, cách chức cô giáo Minh.

Trong khi đó, trao đổi với PV, cô giáo Minh cho rằng: “Là một nhà giáo, hơn thế nữa lại là giáo viên của một trường tiểu học, bản thân tôi luôn ý thức được trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của mình là giáo dục, dạy dỗ những mầm xanh, những thế hệ tương lai của đất nước với tất cả tâm huyết của mình. Tuy nhiên, trong thời gian qua, bản thân tôi cũng như một số giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Diệu luôn phải làm việc trong sự khó chịu, điều này ít nhiều ảnh hưởng công tác giảng dạy của chúng tôi. Chỉ vì một lá đơn với nội dung vu khống, sai sự thật mà trong hơn một năm qua trường chúng tôi phải tiếp đón đến 3 đoàn thanh tra thay phiên nhau gây khó khăn cho tôi hơn là việc tiến hành xem xét tính đúng hay sai, có hay không nội dung vụ việc, để từ đó đưa ra kết luận, hướng giải quyết cụ thể”.

Chủ tịch huyện “nhầm” chủ thể ?

Sau khi báo chí phản ánh, thì UBND huyện Bù Gia Mập vẫn cho rằng chủ tịch huyện có quyền cách chức cô giáo Minh.

Tuy nhiên để rộng đường dư luận, dưới đây, chúng tôi xin nêu cụ thể từng điểm, khoản, điều mà các quy định pháp luật nói rõ: Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ, thì thẩm quyền xử lý kỷ luật công chức được quy định như sau: “Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật”.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục Đào tạo ngày 30.12.2010 quy định: “Hiệu trưởng do Trưởng phòng giáo dục và đào tạo bổ nhiệm đối với trường tiểu học công lập, công nhận đối với trường tiểu học tư thục theo quy trình bổ nhiệm hoặc công nhận Hiệu trưởng của cấp có thẩm quyền”.

Ngoài ra, tại Khoản 5 Điều 9 Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24.12.2010 của Chính phủ Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, còn nêu rõ: “Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, luân chuyển, cách chức, giáng chức đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, công nhận hội đồng trường các cơ sở giáo dục trực thuộc; công nhận, không công nhận hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc quyền quản lý của UBND cấp huyện”.

Căn cứ các quy định trên cho thấy, Trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện Bù Gia Mập mới là chủ thể có thẩm quyền quyết định hình thức kỷ luật và ban hành quyết định xử lý ký luật. Do đó, việc chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập ban hành quyết định 2889/QĐ-UBND để cách chức cô giáo Minh là chưa đúng về chủ thể có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý kỷ luật.

Luật sư Phạm Đình Bắc (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, ngày 25.1.2017, UBND huyện Bù Gia Mập ký Công văn số 45/UBND-NC về việc phản hồi thông tin báo chí nêu giải thích về thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật có viện dẫn Luật tổ chức chính quyền địa phương để lý giải cho thẩm quyền của mình trong quản lý cán bộ công chức.

Ngay tại Điều 1 của Luật tổ chức hành chính số 77/2015/QH13 ngày 19.6.2015 quy định rất rõ về phạm vi điều chỉnh “Luật này quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính”; tại Điều 2 của Luật này cũng liệt kê rất rõ về đơn vị hành chính thuộc sự điều chỉnh của Luật: “Các đơn vị hành chính gồm có: 1. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); 2. Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); 3. Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); 4. Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt”. Ngay trong Công văn số 45 của chính UBND huyện Bù Gia Mập đã lý giải Trường tiểu học Hoàng Diệu là đơn vị sự nghiệp giáo dục. Như vậy, Trường tiểu học Hoàng Diệu không thuộc sự điều chỉnh của luật này. Việc áp dụng Luật tổ chức chính quyền địa phương để lý giải cho thẩm quyền của UBND huyện trong vụ việc này là không có cơ sở.

Nguồn Báo Lao Động & Đời sống

Từ khóa : BÌNH PHƯỚCcách chức Hiệu trưởnghiểu... nhầm luậtUBND huyện Bù Gia Mập

Các tin liên quan đến bài viết