Phát hiện căn bệnh ung thư dạ dày giữa năm 2018 buộc ông Hồ Chí Song phải điều trị bằng hóa chất. Cũng từ đó, sức khỏe của ông Song suy yếu, hàng ngày chỉ trông chờ vào việc đi thu mua ve chai của vợ. Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, người cựu chiến binh này chỉ mong ba đứa con sẽ không phải bỏ học vì căn bệnh của ông.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Chí Song (SN 1958) tại tổ 8, phường Nghĩa Thành, TX. Gia Nghĩa đúng ngày gia đình cúng giỗ cho em trai ông- liệt sĩ Hồ Xuân Mưu. Căn nhà gỗ tuềnh toàng, duy chỉ bàn thờ người đã mất là trang trọng, đặt ngay chính giữa căn nhà nhỏ.
Nhà báo Nguyễn Đình Hòa (bên trái)- Trưởng VP đại diện báo Dân trí tại Đà Nẵng trực tiếp tới xác minh hoàn cảnh của chú Song
Theo cán bộ lao động phường Nghĩa Thành, gia đình ông Song thuộc diện khó khăn của địa phương, là gia đình chính sách. Bản thân ông lại mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, việc ăn học của các con và sinh hoạt hàng ngày chỉ trông chờ vào việc thu mua ve chai của người vợ.
Ngồi lặng lẽ nhìn tấm di ảnh người đã mất, ông Song mắt ướt nhạt nhòa, giọng ngắt quãng: “Chú ấy đi kháng chiến, rồi mất từ khi chưa lập gia đình. Đến bức ảnh cùng không có nên phải nhờ người ta vẽ lại để thờ cúng. Chiến tranh đi qua, cả gia đình chỉ còn tôi sống sót, bây giờ cũng chả biết sống được bao nhiêu ngày nữa…”
Chiến tranh, gia đình chỉ còn chú Song may mắn sống sót
May mắn hơn em trai, ông Song là người trở về sau những năm tháng chiến tranh. Cựu chiến binh sinh năm 1958 từng có thời gian trong quân ngũ, tham gia chiến dịch Biên giới, bảo vệ lãnh thổ phía Tây Nam của tổ quốc từ năm 1975- 1982.
“Như nhiều người khác thời điểm đó, chúng tôi lên đường theo tiếng gọi của tổ quốc, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước toàn vẹn. Sau 7 năm, tôi phục viên, trở về địa phương. Ngày ấy, giữ được mạng sống, trở về lành lặn đã là may mắn rồi nên không quan trọng giấy tờ, thất lạc đi gần hết, nên thành ra cũng không được hưởng chế độ gì”, ông Song cho biết.
Giấy tờ duy nhất mà chú Song còn giữ được sau 7 năm đi tòng quân
Xuất ngũ được một năm, gia đình cũng chẳng còn ai, ông Song rời quê Hà Tĩnh vào Đắk Nông làm công nhân cho một công ty lâm nghiệp rồi lập gia đình với người phụ nữ đồng hương. Sau gần 20 năm gắn bó, ông xin thôi việc và nhận trợ cấp 1 lần.
Bà Lê Thị Hoa, vợ ông Song rơm rớm nước mắt tâm sự: “Ngày còn khỏe mạnh thì ông ấy đi làm công nhân, tôi ở nhà chăm sóc ba đứa con nên dành dụm cả đời mới mua được mấy sào đất rẫy. Đến khi ông ấy nghỉ việc, cũng là lúc sức khỏe yếu, chẳng làm được việc gì nặng nhọc. Bao nhiêu việc trong nhà đều đổ lên vai tôi, mà sức tôi có khỏe khoắn gì. Thế nên, cái cảnh nghèo khổ cứ đeo đẳng mãi!”.
Giấy chứng nhận điều trị của chú Song tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Đầu năm 2018, những cơn đau bất ngờ dồn dập kéo đến, hành hạ ông Song khiến thân thể ông gầy rộc đi sau những đêm mất ngủ. Rồi cách đây mấy tháng, sức khỏe suy yếu, bụng đau dữ dội, căng cứng nên gia đình mới đưa ông đi khám ở TP.HCM. Sau khi khám, xét nghiệm các bác sĩ kết luận ông Song có khối u ác tính trong dạ dày phải mổ và điều trị bằng hóa chất.
“Ngày đưa ông ấy đi mổ, tôi gom góp được hơn 5 triệu đồng, nhưng bác sĩ kêu thiếu, vì để cắt bỏ khổi u phải mất hơn 30 triệu. Để cầm cự đến ngày hôm nay, tôi phải đi vay mượn bà con lối xóm mỗi người một ít mới đủ chữa trị. Bây giờ, ông ấy bị cắt mất 2/3 dạ dày rồi, phải vô hóa chất, xạ trị mới có cơ hội sống. Thế nhưng trong nhà chẳng còn đồng nào, hàng xóm cũng không dám cho vay thêm nên ông ấy đành bỏ ngang về nhà. Mãi đến đầu năm nay khi bán hết cà phê, gia đình mới có tiền để đưa ông ấy đến bệnh viện điều trị tiếp”, bà Hoa nói giọng xót xa.
Gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai cô Hoa
Giờ đây khi tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu đi nhiều nhưng bà Hoa cũng không thể thảnh thơi ngày nào. Từ ngày phẫu thuật đến nay, sức khỏe ông Song ngày càng yếu; gia đình nợ nần chồng chất, lại thêm ba người con đang tuổi ăn học nên bà Hoa lăn lội khắp TX. Gia Nghĩa để nhặt ve chai hoặc làm thuê cho các quán ăn để chạy vạy từng đồng.
“Bây giờ hai vợ chồng không đủ sức mà làm rẫy nữa, bỏ bê hơn một năm nay. Kêu người vào mua, họ chê đất xấu quá nên trả có vài ba chục triệu. Để có tiền chạy chữa cho ông ấy, ai kêu gì tôi cũng làm, rửa chén, giữ trẻ rồi nhặt ve chai… mỗi ngày vài chục ngàn cũng đủ cho gia đình sống qua ngày”, bà Hoa chia sẻ thêm.
Thương vợ, thương con, ông Song nhiều lần từ bỏ ý định chữa trị vì tốn kém. Người cựu binh từng vào sinh, ra tử nơi trận mạc nhưng dường như đầu hàng bởi số phận hẩm hiu của nghèo khó, của bệnh tật.
Người cha nghèo tự hào về thành tích của những đứa con
Lần giở xấp giấy khen của ba người con được cất giữ cẩn thận, ông lão tâm sự: “Tôi cũng biết bệnh này có tiền cũng chỉ cầm cự được vài năm. Tôi cũng nghĩ rồi, nếu như bỏ ra số tiền mà chỉ sống được thêm vài năm nữa, khiến mấy đứa con phải bỏ học thì tôi không đành. Tôi chấp nhận số phận vậy, chỉ mong từ giờ đến lúc nhắm mắt xuôi tay, tích góp để dành cho các cháu một ít, để cháu nào cũng được học hành đến nơi đến chốn. Cũng may là ba đứa con tôi đều thương bố mẹ nên đứa nào cũng ngoan ngoãn, học giỏi”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 3300: Chú Hồ Chí Song (TDP 8, phường Nghĩa Thành, TX. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) Số ĐT chú Song: 0379.397.245 2. Báo điện tử Dân trí. |
Theo Dân Trí