Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt câu hỏi này với hơn 12.000 cán bộ y tế tham dự hội nghị trực tuyến được tổ chức ngày 12-1 tổng kết năm 2016 và bàn kế hoạch 2017. 
VN phát triển mà quá trời người ung thư, có đáng không?
Bệnh nhân điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu, TP.HCM
Ở VN còn có thứ văn hóa không nhúc nhích như bàng quan, thờ ơ, vô cảm trước nhân dân, đặc biệt là các vấn đề của đất nước, xã hội, thấy tai nạn giao thông không giúp, thấy tiêu cực không đấu tranh
Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Thủ tướng tổng kết năm qua ngành y tế có 13 thành tựu, nhưng còn tới 12 câu hỏi có thể được coi là “khuyết điểm”. “Tôi không nói khuyết điểm quá nhiều nên đặt 12 câu hỏi. Anh chị em liên hệ, nghiên cứu, giải quyết để năm sau chúng ta xem đã trả lời được câu hỏi này chưa?” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Tuy nhiên, sau đó Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Trong các câu hỏi của Thủ tướng có câu phải vài thập niên sau mới trả lời được, có câu hỏi cố gắng trả lời trong nhiệm kỳ này”!

Nhiều bức xúc dân sinh
“Tính mạng của người dân là quan trọng nhất, mà người dân đã giao tính mạng của mình cho ngành y tế. Đây là vinh dự và là trách nhiệm của ngành y để từ đó nâng cao trách nhiệm quản lý, trách nhiệm khám chữa bệnh để phục vụ người dân tốt hơn” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở đầu như vậy. Và người đứng đầu Chính phủ đã nói thẳng thắn là ngành y đang còn “12 câu hỏi chưa giải đáp được”. Trong đó có tình trạng quá tải bệnh viện, bệnh viện tuyến T.Ư 2-3 người/giường; để xảy ra sự cố y khoa liên quan năng lực và trách nhiệm của cán bộ y tế như đau chân trái mổ chân phải, để xảy ra độc quyền cung cấp dịch vụ hậu cần bệnh viện như taxi, xe cứu thương. “Thủ tục hành chính của bệnh viện chưa đáp ứng được yêu cầu, người dân phải xếp hàng rồng rắn lê thê để được nộp tiền vì bệnh viện yêu cầu tạm ứng lắt nhắt. Làm sao thay đổi được tình cảnh người nhà người bệnh phải vật vã ở vỉa hè, hành lang, gầm cầu thang thay vì đi làm việc. Bảo vệ sức khỏe nhân dân là ở chỗ đó” – Thủ tướng chất vấn. Nắm rất rõ những bức xúc dân sinh, Thủ tướng hỏi Bộ Y tế vì sao mỗi năm hàng vạn người ra nước ngoài chữa bệnh, làm chảy máu ngoại tệ trong khi bệnh viện vẫn nặng tư duy ban phát cho bệnh nhân, trong khi rõ ràng bệnh nhân là khách hàng. Vấn đề an toàn thực phẩm và tình trạng gia tăng bệnh nhân ung thư cũng là 2 trong số 12 điều tồn tại của ngành y tế mà Thủ tướng đặt ra: An toàn thực phẩm là vấn đề bức xúc của người dân, có người nói đây là con đường ngắn nhất từ nhà ra nghĩa địa. Ngành y tế là cơ quan chủ trì phải đẩy nhanh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn. “Có người nói VN ung thư hàng đầu thế giới, phải tìm hiểu xem có đúng như thế không? Nhưng tôi thì thấy đúng là có quá trời người ung thư. Nếu VN thành công nhiều lĩnh vực mà trở thành đất nước ung thư thì có suy nghĩ không? Có nên không?” – Thủ tướng nói.
Hãy thật sự lo cho dân
Rất biết thầy thuốc hiện còn gặp một số khó khăn, lương thấp, thậm chí phụ cấp ca trực không đủ tiền mua gói trà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi mà cũng đã có câu trả lời: “Muốn bác sĩ toàn tâm toàn ý, không nghĩ đến phong bì phong bao quà tặng thì làm sao để lương khá hơn, dù tôi biết như hiện nay cũng là hơn người dân bình thường. Nhưng anh chị em sớm tìm giải pháp giải quyết các tồn tại để thật sự lo cho dân, thật sự lo cho sức khỏe người dân. Có những câu hỏi đặt ra hôm nay thì sang năm ngồi ở đây chúng ta nghe xem có vấn đề nào đã giải quyết được, giải quyết được bao nhiêu phần trăm”. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, năm vừa qua ngành đã có một số thành tựu, song khảo sát qua các chuyến đi kiểm tra bệnh viện gần đây của bộ trưởng Bộ Y tế, rõ ràng còn có những khó khăn cho người bệnh mà ngành y tế chưa giải quyết được: bệnh nhân phải nằm ghép tại Bệnh viện K, Bạch Mai; thủ tục hành chính rắc rối khiến người bệnh phải chờ đợi kéo dài… “Người bệnh rất vất vả, nếu giảm được thủ tục nào cho họ thì người bệnh đỡ vất vả thêm một chút. Giá thuốc còn nhiều vấn đề lắm. Tôi không nói giá thuốc đang cao hay thấp, mà nói rằng có thể giảm được thêm, giảm thêm từ 5% nữa có được không? Kết quả đánh giá bệnh viện tới đây phải công khai để người dân lựa chọn, họ có quyền biết về chất lượng từng bệnh viện. Ngành y tế phải nhanh chóng có quy định về liên thông kết quả xét nghiệm, bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1, bệnh viện tỉnh liên thông với nhau, không thể để người bệnh đi đâu cũng phải lấy máu, làm xét nghiệm, đặc biệt là những bệnh viện có thiết bị xã hội hóa như hiện nay” – Thủ tướng nói.

Không để khách du lịch một đi không trở lại

“Làm thế nào để khách du lịch quay lại VN sớm nhất có thể, chứ không để tình trạng khách một đi không trở lại”. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ 2017 của Bộ VH-TT&DL diễn ra sáng 12-1. Phát biểu về nỗi trăn trở để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng chia sẻ: “Tôi vừa lấy điện thoại thông minh thì đọc được bài 7 nỗi sợ hãi khi đến du lịch VN: chặt chém, cướp giật, mất vệ sinh…”.Ông đề nghị phải xây dựng cộng đồng làm du lịch văn minh, lịch sự chứ không để lộn xộn. Thủ tướng chỉ đạo giám đốc sở ở địa phương phải ra sân bay xem khách du lịch họ mua những gì, tiêu những gì để biết mà phát triển sản phẩm du lịch cho phù hợp. Phải xây dựng thương hiệu du lịch nổi tiếng của VN ở các vùng miền khác nhau, chứ không thể mãi mang thương hiệu du lịch nón lá. Du lịch phải phấn đấu đóng góp 10-15% GDP trở lên, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn.Về đời sống văn hóa công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Tôi và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam rất trăn trở về tình trạng nghèo nàn, đơn điệu văn hóa trong đời sống công nhân, người dân ở khu vực vùng sâu vùng xa. Ví dụ nơi ở của công nhân không có chỗ gửi trẻ, sân bóng chuyền tối thiểu để tập luyện cũng không có, đây có phải trách nhiệm của chúng ta không các đồng chí? Hở tí đất nào là làm nhà cao tầng. Tôi từng nói mỗi xã không có tiền thì ủi một mảnh đất làm sân bóng đá được không, có tốn bao nhiêu tiền?”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bệnh việndu lịchngành y tếngười dânThủ tướng

Các tin liên quan đến bài viết