Trong năm 2021, Việt Nam dự kiến sẽ có 110 triệu liều vắc xin Covid-19 từ nhiều nguồn, trong đó sẽ có những nhóm được ưu tiên tiêm trước.

Trong năm nay, Việt Nam chắc chắn có 60 triệu liều vắc xin Astrazeneca, trong đó 30 triệu liều do Việt Nam đặt mua và 30 triệu liều do COVAX hỗ trợ. Ngoài ra, Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán với các nước Mỹ, Nga… để mua vắc xin. Dự kiến trong năm nay, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, để tiêm đủ số lượng, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin trong năm nay.

Cuối tháng này, lô vắc xin đầu tiên của Astrazeneca sẽ về tới Việt Nam, tuy nhiên có thể không đủ 204.000 liều như kế hoạch ban đầu.

Hiện Bộ Y tế đã cấp chứng nhận cho 3 kho lạnh âm sâu đến -86 độ C của một đơn vị tư nhân để bảo quản vắc xin ngừa Covid-19.

Việt Nam dự kiến có 110 triệu liều vắc xin Covid-19, ai được ưu tiên?

Trong năm 2021, Việt Nam sẽ có ít nhất 60 triệu liều vắc xin Astrazeneca

11 nhóm đối tượng ưu tiên

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế vẫn đang nỗ lực cùng với các cơ quan, đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia sản xuất vắc xin để có thể đàm phán đủ vắc xin cho toàn dân trong thời gian sớm nhất.

Về đối tượng ưu tiên sẽ căn cứ theo Luật Truyền nhiễm của Việt Nam và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

“Chúng ta sẽ ưu tiên tiêm phòng trước cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao, lực lượng bộ đội, công an, những người phục vụ ở khu cách ly, tuyến đầu chống dịch, người dân vùng có dịch và nhóm người cao tuổi, bệnh nền, dễ bị tổn thương, phải chăm sóc kéo dài ở các cơ sở y tế”, Thứ trưởng thông tin.

Với nguồn cung ban đầu hạn chế, trước tiên sẽ ưu tiên cho nhân viên y tế tuyến đầu, những người có nguy cơ phơi nhiễm và mắc Covid-19 cao nhất, để bảo vệ và bảo toàn lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Khi nguồn cung vắc xin tăng lên, việc tiêm chủng sẽ mở rộng hơn và theo yêu cầu giúp người dân tiếp cận vắc xin công bằng, công khai, minh bạch về chi phí, hiệu quả.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sẽ quản lý, giám sát và điều phối hoạt động tiêm phòng Covid-19 để đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận bình đẳng, hợp lý và hiệu quả với vắc xin.

Được biết, với nguồn vắc xin của COVAX, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022.

Trong năm nay, COVAX dự kiến cung ứng cho Việt Nam hơn 4,8 triệu liều, tuy nhiên trong quý 1, Việt Nam sẽ chỉ nhận được 25-35% số lượng vắc xin (tương đương 1,2-1,7 triệu liều), số còn lại sẽ có trong quý 2.

Do đó, ngay trong quý 1, Bộ Y tế sẽ ưu tiên tiêm cho 600.000 người, ưu tiên cao nhất là 500.000 nhân viên y tế, kế đó là 116.000 nhân viên tham gia phòng chống dịch.

Trong quý 2, Bộ Y tế sẽ tiêm cho khoảng 1,8 triệu người thuộc 5 nhóm đối tượng, theo thứ tự:

– Cán bộ hải quan

– Cán bộ ngoại giao

– Lực lượng quân đội

– Lực lượng công an

– Giáo viên

Việt Nam dự kiến có 110 triệu liều vắc xin Covid-19, ai được ưu tiên?

Trong 6 tháng cuối năm, COVAX cam kết hỗ trợ vắc xin cho các quốc gia để tiêm chủng tối đa cho 20% dân số. Khi đó, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 33 triệu liều, tương ứng tiêm cho 16 triệu người, theo thứ tự:

– Giáo viên

– Người trên 65 tuổi

– Những người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hải quan, ngoại giao, hàng không, vận tải, du lịch

– Những người mắc bệnh mãn tính trưởng thành

Việt Nam dự kiến có 110 triệu liều vắc xin Covid-19, ai được ưu tiên?

Cục Y tế dự phòng được giao chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn tổ chức tiêm; các Viện Dịch tễ, Viện Pasteur chịu trách nhiệm tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin, tập huấn, giám sát hoạt động tiêm chủng; Dự án Tiêm chủng mở rộng có trách nhiệm lập kế hoạch tiêm chủng.

Huy động nguồn lực xã hội tham gia tiêm chủng

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, chủ trương của ngành y tế là tiêm trên diện rộng, càng nhanh và càng nhiều càng tốt. Để đạt miễn dịch cộng đồng, theo lý thuyết cần tiêm tối thiểu trên 80% dân số. Đây là thách thức vô cùng lớn nhất là trong bối cảnh nguồn cung vắc xin còn hạn chế như hiện nay.

“Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng là đa dạng hoá nhiều nguồn cung ứng vắc xin, bao gồm cả vắc xin do Việt Nam sản xuất và phát huy tối đa các nguồn lực xã hội tham gia chương trình tiêm chủng Covid-19”, Thứ trưởng Thuấn nói.

Trước đó trong cuộc họp trực tuyến ngày 19/2, Bộ trưởng Y tế cũng cho biết, Bộ khuyến khích các đơn vị trong nước chủ động đàm phán, nếu có nguồn vắc xin có thể trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để nhập khẩu vắc xin.

Về kinh phí mua vắc xin, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, kinh phí mua vắc xin của COVAX chủ yếu từ ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và địa phương. Ngoài ra còn các nguồn hợp pháp khác, trong đó có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức hảo tâm.

Các địa phương có ngân sách, muốn mua cho người dân cũng cần phải tuân theo các kế hoạch được Chính phủ phê duyệt.

Theo Quyết định phê duyệt Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin của Bộ Y tế, nguồn kinh phí dự kiến triển khai tiêm 20% đối tượng từ nguồn vắc xin COVAX là trên 6.739 tỷ đồng, tuy nhiên COVAX sẽ hỗ trợ hơn 6.300 tỷ đồng, ngân sách Trung ương dự kiến sẽ bỏ ra hơn 24 tỷ đồng, địa phương là gần 163 tỷ đồng, số kinh phí còn thiếu cần huy động là hơn 202 tỷ đồng.

30 triệu liều còn lại của Astrazeneca, dự kiến sẽ do VNVC tự chi trả. Doanh nghiệp này được Astrazeneca lựa chọn là đơn vị phân phối tại Việt Nam.

Tuy nhiên VNVC không được tự ý phân phối, phải tuân theo kế hoạch của Bộ Y tế trình Chính phủ để chương trình tiêm vắc xin được triển khai công bằng, hiệu quả.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Astrazenecabảo quảnCOVID-19ưu tiênvắc xin

Các tin liên quan đến bài viết