Trong hơn hai năm chống dịch COVID-19 đã có 10 nhân viên y tế tử vong trong quá trình tham gia thực hiện các nhiệm vụ, thế nhưng đến nay chưa y bác sĩ nào được công nhận liệt sĩ.

Vì sao y bác sĩ tử vong trong chống dịch COVID-19 chưa được công nhận liệt sĩ? - Ảnh 1.

Y bác sĩ tại Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết suốt hơn hai năm chống dịch COVID-19, đã có 10 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh và kỹ thuật viên) tử vong trong quá trình tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19.

Y bác sĩ hy sinh mạng sống, nhưng…

Trong số 10 y bác sĩ đã qua đời, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, đến nay có cố bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn – nguyên trạm trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè (TP.HCM) và cố điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng – khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhân dân Gia Định – được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 8-2021, khi dịch COVID-19 tại TP.HCM và Bình Dương bùng phát mạnh cũng là lúc bác sĩ Nhẫn, điều dưỡng Hằng lao vào cuộc chiến chống dịch.

Mỗi người một việc, người tích cực tham gia công tác truy vết, cách ly, còn người chăm sóc bệnh nhân trong phòng hồi sức tích cực. Họ đều đã mắc COVID-19 trong lúc làm nhiệm vụ, để rồi ra đi cho người bệnh được sống.

Thời điểm ấy, TP.HCM và Bộ Y tế có các đề xuất trình công nhận liệt sĩ cho các nhân viên y tế tử vong, tuy nhiên sau xem xét cuối cùng các cá nhân nêu trên được trao Huân chương Lao động hạng ba, nhiều cá nhân khác được trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Gia đình bác sĩ Nhẫn và điều dưỡng Hằng cũng được nhận hỗ trợ, chia sẻ từ bệnh viện và chính quyền.

Tuy nhiên theo đánh giá của đại diện Công đoàn Y tế Việt Nam, cần phải có chế độ chính sách chung, kịp thời, xứng đáng cho tất cả nhân viên y tế.

“Nhiều y bác sĩ có ý định nghỉ việc. Cũng từ thực tế này, dự kiến vào trung tuần tháng 5-2022 Công đoàn Y tế Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo mời Bộ Y tế và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì cùng tháo gỡ chính sách cho nhân viên y tế”, vị này nói.

Đáng chú ý ngay thời điểm dịch đang nóng bỏng, nhiều chuyên gia về pháp chế y tế đã đánh giá các chính sách thời điểm đó đủ để xét phong tặng danh hiệu liệt sĩ cho 3 y bác sĩ mắc COVID-19 và tử vong trong quá trình chống dịch. Song đến nay 8 tháng đã trôi qua, đề nghị này vẫn vướng và “giậm chân tại chỗ”.

Cần xem xét công nhận liệt sĩ cho lực lượng y tế

Theo bà Trần Thị Trang – phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), theo quy định mới tại nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết pháp lệnh người có công, đạt đủ 4 tiêu chí quy định tại khoản 6 điều 14 nghị định thì mới được xem xét công nhận liệt sĩ.

Cụ thể, việc xem xét công nhận liệt sĩ đối với trường hợp quy định tại điểm k khoản 1 điều 14 pháp lệnh gồm 4 yếu tố: Nhận thức được đầy đủ sự nguy hiểm và tính cấp bách của sự việc; Chủ động thực hiện hành vi đặc biệt dũng cảm, chấp nhận hy sinh bản thân; Bảo vệ lợi ích quan trọng của Nhà nước, tính mạng và lợi ích hợp pháp của nhân dân hoặc để ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;

Là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội, được tặng thưởng huân chương và được cơ quan quản lý nhà nước về người có công tổ chức phát động học tập tấm gương trong phạm vi cả nước.

“Như vậy là tiêu chuẩn để công nhận liệt sĩ là rất cao và đặc biệt. Cơ sở không thể biết được các y bác sĩ nào đủ điều kiện để đề xuất xem xét. Vì vậy, đề nghị Bộ Lao động – thương binh và xã hội phải có hướng dẫn thực hiện cụ thể hơn để các cơ quan đơn vị biết và thực hiện”, bà Trang nói.

Theo ông Hưng, trước đây thường chỉ nhắc đến lực lượng công an, quân đội được công nhận là liệt sĩ khi hy sinh trong quá trình làm việc. Thế nhưng, hiện nay đất nước đã phát triển, những quy định cũng cần phải theo sát để phù hợp với tình hình thực tế của xã hội.

Ông Hưng chia sẻ: “Điều cần làm bây giờ là xác định cụ thể lực lượng nào được công nhận liệt sĩ. Điều này Bộ Lao động – thương binh và xã hội có thể đề xuất với Chính phủ để cụ thể hóa và đưa ra hướng dẫn thực hiện”.

Trong 2 năm chống dịch, y bác sĩ là lực lượng tuyến đầu, nhiều hy sinh, thiệt thòi. Ngoài 10 người đã tử vong (trong đó có 3 y bác sĩ tử vong do lây nhiễm bệnh trong quá trình chăm sóc, điều trị người bệnh, khoanh vùng dịch), còn có hàng ngàn y bác sĩ lây nhiễm COVID-19, bị trầm cảm, xa gia đình nhiều tháng trời đi chống dịch…

Có gì tưởng thưởng cho họ, cho những mất mát và hy sinh của “những người tuyến đầu” này?

Đã nhận được hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ 3 cán bộ y bác sĩ tử vong

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Xuân Long – phó cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động – thương binh và xã hội – cho biết tuần trước cục đã nhận được hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho các y bác sĩ chống dịch tại TP.HCM và Bình Dương.

Theo thẩm quyền, phòng chuyên môn phụ trách chính sách sẽ rà soát và tham mưu, báo cáo Bộ Lao động – thương binh và xã hội, từ đó sẽ có văn bản trả lời chính thức. Đánh giá những trường hợp này đặc thù nên Cục Người có công sẽ tập trung tạo thuận lợi nhất, tuy nhiên vẫn phải dựa trên quy định liên quan.

“Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã quy định rất rõ trường hợp cụ thể, căn cứ điều kiện đặc biệt dũng cảm thì trên cơ sở tờ trình đã nêu rõ. Tuy nhiên, cục vẫn phải báo cáo Bộ Lao động – thương binh và xã hội để trao đổi với các đơn vị liên quan”, ông Long cho biết thêm.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Công nhận liệt sĩ cho y bác sĩnhân viên y tếphòng chống dịchY bác sĩ được công nhận liệt sĩ

Các tin liên quan đến bài viết