Máy bay không người lái (drone) đã không còn là điều bí mật trên chiến trường Ukraine. Nhưng những chiếc drone hình tam giác lao xuống Kiev hồi đầu tuần này gây chú ý vì những tranh cãi liên quan tới nguồn gốc của chúng.
Khoảng 7h sáng 17-10, khi người dân Kiev chuẩn bị đi làm, một nhóm drone xuất hiện và lượn lờ trên bầu trời thủ đô Ukraine cùng nhiều nơi khác.
Sau đó, những tiếng nổ vang lên tại nhiều khu vực của Kiev. Ít nhất 4 người chết sau đợt tấn công mà Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga đã sử dụng các drone Shahed-136 do Iran sản xuất, nhưng cả Nga và Iran đều bác bỏ điều đó.
Cáo buộc của phương Tây
Trong các cuộc tấn công trước đó, hỏa lực tấn công Kiev lao tới trong hình dạng một tia sáng màu xanh và lao nhanh vào mục tiêu với tốc độ chỉ như chớp mắt.
Nhưng vào ngày 17-10, loạt tấn công sử dụng các drone hình tam giác lại diễn ra chậm hơn nhiều. Người dân có thể thấy chúng lượn lờ trên đầu, đe dọa bằng tốc độ chậm và tiếng động cơ nghe như tiếng máy cắt cỏ.
“Tôi đang hút thuốc trên ban công thì một chiếc bay ngang” – ông Vladislav Khokhlov, một bác sĩ thẩm mỹ sống trong chung cư ở Kiev, nói với báo New York Times. Kiev và phương Tây cáo buộc đàn drone bí ẩn kia là loại Shahed-136 “cảm tử” do Iran sản xuất và được chuyển cho Nga.
Thêm vào đó là thông tin Iran đã cử người tới bán đảo Crimea để hướng dẫn binh sĩ Nga sử dụng loại drone nói trên.
Trong thư đề ngày 14-10 gửi đến 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, phái đoàn Ukraine tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi cử các chuyên gia quốc tế đến nước này để chứng thực thông tin Nga đang sử dụng các drone do Iran sản xuất.
Lá thư khẳng định Ukraine đã thu được một số chiếc và cho biết Iran đã chuyển các drone dòng Shahed và Mohajer cho Nga từ cuối tháng 8 vừa qua.
Ngày 19-10, Hãng tin TASS của Nga cho biết các quan chức Nga và Iran phủ nhận những cáo buộc sử dụng drone Shaded-136 cho các cuộc tấn công ở Ukraine.
Cũng theo TASS, dựa trên các bức ảnh được truyền thông đăng tải có dòng chữ “Geranium-2” trên các drone được Ukraine trưng ra, giới chuyên gia quân sự khẳng định đây là bản sao của drone Shahed-136 chứ không phải hàng chính hãng do Iran sản xuất.
Toan tính của hai bên
Dưới góc nhìn của phương Tây, những chiếc drone như Shahed-136 không tạo ra bước ngoặt trên chiến trường Ukraine do tính sát thương không cao (đầu đạn khoảng 40kg).
Thay vào đó, chúng sẽ được diễn giải là bằng chứng cho sự can dự của Iran vào cuộc xung đột ở Ukraine và là chỉ dấu cho thấy quân đội Nga đang thiếu thốn khí tài nên phải cậy nhờ nước khác cung cấp. Đó là những chất liệu cho các quan chức, học giả và bộ máy truyền thông của phương Tây vốn đang chiếm ưu thế về độ phủ sóng.
Một câu hỏi nên đặt ra là vì sao đến giờ phương Tây mới đẩy mạnh thông tin “Nga sử dụng drone của Iran”, dù cũng chính các nước này tuyên bố số drone trên đã được chuyển vào tháng 8 và đã được sử dụng tại một số khu vực tiền tuyến ở Ukraine.
Sau khi Nga tập kích các thành phố Ukraine để trả đũa cho vụ tấn công cầu Crimea vào tuần thứ hai đầu tháng 10, nhiều nước lên tiếng cam kết sẽ gửi hệ thống phòng không tiên tiến cho Ukraine. Những tuyên bố đó lập tức vấp phải sự cảnh báo từ Nga.
Một lưu ý nữa là tính thời điểm thông tin được đẩy mạnh sau khi Nga thay tư lệnh “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Trọng trách mới được giao cho đại tướng Sergei Surovikin, một người dày dạn kinh nghiệm trong lực lượng không quân.
Trong bối cảnh đó, thông tin các cuộc tấn công bằng drone được truyền thông phương Tây đẩy mạnh như vừa qua tạo cảm giác đây là một ý tưởng của ông Surovikin.
Mặc dù nổi tiếng là một vị tướng cứng rắn với các đợt tập kích vào thành trì phe nổi dậy ở Syria, tướng Surovikin có lẽ dư sức hiểu rõ việc sử dụng các drone do Iran sản xuất là tạo điều kiện để Mỹ cùng phương Tây can thiệp sâu hơn vào Ukraine.
Tất nhiên không loại trừ việc tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga đang gặp khó khăn trong việc sản xuất tên lửa để bù đắp cho số lượng đã dùng suốt tám tháng qua.
Điều này là khó tránh khỏi với bất cứ quốc gia nào bước vào một cuộc chiến dài ngày và bị trừng phạt về nhiều mặt. Song muốn kiểm chứng được điều này, cần nên theo dõi tiếp các vụ tấn công ở Ukraine trong thời gian tới để xem loại vũ khí được sử dụng là gì.
Phái đoàn Ukraine tại Liên Hiệp Quốc nhắc đến nghị quyết 2231, trong đó cấm Iran xuất khẩu vũ khí tiên tiến theo Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran với nhóm P5+1.
Theo nghị quyết trên, lệnh cấm vận vũ khí Iran sẽ hết hiệu lực vào tháng 10-2020 nhưng lệnh cấm xuất khẩu tên lửa và các công nghệ liên quan cùng các hệ thống vũ khí tiên tiến khác vẫn có hiệu lực đến tháng 10-2023.
Như vậy, nếu chứng minh được những chiếc drone kia thuộc dòng Shahed hoặc Mohajer, cả Nga và Iran đều bị xem là vi phạm nghị quyết 2231.
Đối với phương Tây, điều đó không chỉ hạ uy tín của hai nước này mà còn được lấy làm lý do để triển khai thêm các hệ thống phòng không cho Kiev.
Nguồn: tuoitre.vn