Túi thuốc C (thuốc kháng virus Molnupiravir) nằm trong chương trình của Bộ Y tế và cho phép nhập 16.000 túi nên khi đưa xuống các địa phương sẽ xảy ra tình trạng thiếu, trong khi đó tâm lý người bệnh ai cũng muốn nhận đủ thuốc.

Vì sao nhiều F0 ở TP.HCM chưa nhận được thuốc kháng virus Molnupiravir? - Ảnh 1.

Bác sĩ hướng dẫn F0 sử dụng thuốc để điều trị tại nhà 

Thông tin trên được bà Phạm Khánh Phong Lan – trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, kiêm chủ tịch Hội Dược học TP, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP – cho biết trong buổi họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều 30-8.

Ngày mai 31-8 TP.HCM sẽ nhận 50.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir

Bà Lan cho hay Sở Y tế TP.HCM có nhiệm vụ chuẩn bị các túi thuốc F0 điều trị tại nhà với 3 loại là A, B và C. Theo đó, túi A gồm thuốc hạ sốt và những thuốc nâng cao thể trạng như vitamin. Túi B có những loại thuốc chứa corticoid, thuốc kháng viêm và kháng đông – đây là những thuốc đặc trị, không tùy tiện sử dụng.

Còn túi thuốc C là thuốc kháng virus Molnupiravir. “Thuốc này (thuốc kháng virus Molnupiravir – PV) có tác dụng tiêu diệt virus SARS-CoV-2 khi người bệnh đã nhiễm virus, như điều trị nguyên nhân. Còn những thuốc trong túi A và B chỉ điều trị thể trạng và triệu chứng”, bà Lan nói.

Vậy việc phân bổ các túi thuốc A, B, C cho các địa phương như thế nào? Trả lời câu hỏi này, bà Lan cho hay Sở Y tế TP đã chuẩn bị 150.000 túi A, B theo chương trình của UBND TP và đến nay đã giao 74.000 túi cho các trung tâm y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện; sau đó tiếp tục chuyển đến các trạm y tế phường, xã.

66.000 túi A, B còn lại đang lưu trữ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và sẵn sàng phục vụ nhu cầu của F0 trong những ngày tiếp theo. Tính đến ngày 23-8, TP có 21.093 ca F0 điều trị tại nhà.

“Túi thuốc A, B đầy đủ, thậm chí dư để cung ứng. Khi đưa xuống các trung tâm y tế phường, xã sẽ chủ động được”, bà Lan nói.

Riêng túi thuốc C, bà Lan cho hay túi nằm trong chương trình nghiên cứu của Bộ Y tế và được cho phép nhập 16.000 túi, nên khi đưa xuống các địa phương sẽ xảy ra tình trạng có thể thiếu. Tâm lý người bệnh khi nhận thuốc thì muốn nhận đầy đủ cả ba loại A, B và C.

Bà Lan cho biết bà vừa trao đổi phía công ty, trong ngày mai 31-8, trong số 116.000 liều mà công ty dự kiến tài trợ thì Bộ Y tế đã có phân bổ cho TP.HCM 50.000 liều, số liều còn lại sẽ bổ sung trong những ngày tới.

“Túi thuốc C còn hơi thiếu thốn nhưng chắc chắn sẽ bổ sung đầy đủ trong 1-2 ngày tới. Rất mong thuốc sẽ có kết quả”, bà Lan nhấn mạnh.

Vì sao nhiều F0 ở TP.HCM chưa nhận được thuốc kháng virus Molnupiravir? - Ảnh 2.

Từ sáng sớm 27-8, thuốc kháng virus Molnupiravir đã được ngành y tế TP.HCM phân bổ cho các quận huyện cấp phát cho các F0 có triệu chứng nhẹ sử dụng 

Những lưu ý khi dùng các túi thuốc điều trị tại nhà

Theo bà Lan, thuốc kháng virus Molnupiravir nhận về sản xuất nhưng không nắm bản quyền, vì vậy đòi hỏi cần những nghiên cứu về lâm sàng và các tác dụng phụ, mặc dù đã được tiến hành thử nghiệm tại Bệnh viện Thống Nhất và cho kết quả rất khả quan.

Hiện nay, tất cả F0 điều trị tại nhà khi sử dụng thuốc này để điều trị thì tương tự như những người nghiên cứu, nên các thủ tục khi bàn giao cho các trung tâm y tế thì bệnh nhân phải ký hợp đồng đồng ý tham gia nghiên cứu.

Một túi thuốc kháng virus Molnupiravir uống trong 5 ngày, mỗi ngày uống 4 viên chia đều 2 lần. Các nghiên cứu cho thấy người bệnh sau 5 ngày uống sẽ có sự cải thiện rõ rệt và nồng độ virus giảm dần.

Đặc biệt phải sàng lọc rõ ràng trường hợp nào sử dụng. Đó là những F0 đã có xét nghiệm nhanh hoặc PCR-RT và mắc bệnh ở thể nhẹ, chưa trở nặng (nhịp thở dưới 20 lần/phút, nồng độ oxy SpO2 phải cao hơn hoặc bằng 96%).

Đối với túi A, F0 điều trị tại nhà đều nên dùng bình thường, dùng trong 7 ngày.

Túi C, nếu F0 nhận ngay từ đầu thì dùng ngay để giảm nồng độ virus. Trong trường hợp đã sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir mà xuất hiện triệu chứng thở nặng (nhịp thở trên 30 lần/phút, SpO2 giảm dưới 95%, có biểu hiện suy hô hấp, khó thở)… thì người bệnh phải sử dụng túi B (kháng viêm và kháng đông, dùng trong 3 ngày) để giải quyết triệu chứng trước mắt. Sau đó, nhân viên y tế có nhiệm vụ đưa F0 đưa đi cấp cứu.

Theo bà Lan, thuốc kháng virus Molnupiravir đang ở giai đoạn thử nghiệm, đến nay chưa được Cục Quản lý dược Bộ Y tế cấp phép. Thuốc này rất đặc biệt, do một doanh nghiệp tại TP.HCM là Stellapharm (tiền thân là Stella) tài trợ. Công ty có quyền khai thác, sản xuất thuốc này tại Việt Nam và đang làm hồ sơ trình Bộ Y tế.

Hiện thuốc này đang nằm trong chương trình đưa về cho các bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà. Theo như cam kết, công ty sẽ tài trợ 2,3 triệu viên, tương ứng 116.000 liều để điều trị cho bệnh nhân.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Điều trị tại nhàF0MolnupiravirThuốc kháng viruTP HCM

Các tin liên quan đến bài viết