Không bao lâu nữa, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào thực thi. Và ngay cả khi dịch COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục khởi xướng hàng loạt vụ kiện phòng vệ thương mại với Việt Nam.
Việt Nam hiện là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi quyết định dịch chuyển sản xuất lúc hiệu lực của các hiệp định thương mại thế hệ mới bước vào giai đoạn thực thi. Trong đó, EVFTA hay Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là ví dụ.
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận năng lực sản xuất mới, xuất khẩu tăng nhanh đã khiến Việt Nam dễ bị theo dõi, bổ sung điều tra, các sản phẩm bị kiện ngày càng mở rộng ở nhiều ngành hàng. Và mục tiêu khởi kiện từ các nước dần được ngầm hiểu như một cách “dằn mặt” gián tiếp với các quốc gia đã bị áp thuế cao trước đó, hoặc đơn giản hơn là tăng bảo hộ sản xuất, giữ việc làm ở nước mình.
Một cán bộ có thẩm quyền của Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay ông đã rất sốc khi biết Mỹ điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép tấm không gỉ của Việt Nam với mức thuế bị “dọa” lên đến 139-267%, hoàn toàn do “chính phủ họ tự khởi xướng điều tra, chứ doanh nghiệp Mỹ không yêu cầu”.
Bị áp thuế kiểu này, nhiều lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do cơ bản bị vô hiệu. Do đó, để giảm thiểu tối đa nguy cơ mất thị trường xuất khẩu ngày một leo thang, chỉ nỗ lực của Chính phủ không đủ.
Thực tế, doanh nghiệp cần kiên quyết nói không với những đơn hàng mà trình độ tay nghề chỉ cần “vô bao, đóng gói, gửi đi”, bởi với các nước, đây là hành vi chuyển tải bất hợp pháp bị nghiêm cấm.
Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm, các doanh nghiệp và cá nhân liên quan cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra ngăn chặn. Điều này giúp tránh hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới cả ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Ở góc độ quản lý nhà nước, trong khi chờ Bộ Công thương ban hành thông tư hướng dẫn về việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo EVFTA, việc giám sát hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài cần được tăng cường, đặc biệt các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa.
Dữ liệu cảnh báo sớm về các mặt hàng có khả năng bị điều tra hành vi lẩn tránh thuế, gian lận nguồn gốc phải được cập nhật liên tục đến doanh nghiệp. Công tác cấp và kiểm tra chứng nhận xuất xứ phải được “đẩy” ở mức cao nhất hòng chống hành vi khai gian “khai sinh” hàng hóa.
Nguy cơ đăng ký đầu tư mượn thị trường Việt để “quá cảnh” hàng hóa hòng né thuế ở nước khác đã xuất hiện, cơ chế phòng ngừa phải được hoàn thiện.
Không thể kéo dài tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật quản lý chỉ dừng lại ở những mức phạt “giơ cao đánh khẽ” cho những sai phạm có chủ đích, trong khi hậu quả để lại là một ngành hàng, thậm chí cả một thị trường xuất khẩu tiềm năng có thể “mất toi”, nhất là khi nền kinh tế các nước bước sang giai đoạn hậu dịch COVID-19 đều tăng tốc khôi phục sản xuất.
Mỹ, EU đứng tốp đầu khởi kiện hàng Việt Nam
Mới nhất, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã điều tra lẩn tránh thuế sản phẩm gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp trong nước không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu gỗ sử dụng, Mỹ sẽ áp mức thuế kép rất cao: 183,36% thuế chống bán phá giá và từ 22,98-194,9% thuế chống trợ cấp như đang dành cho Trung Quốc.
Mỹ cũng là quốc gia khởi kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất, chiếm gần 50% trong 176 vụ kiện mà các quốc gia đã “nhắm” vào Việt Nam từ trước đến nay. Trong khi EU “sở hữu” 14 vụ, chiếm gần một nửa trong số này vẫn là điều tra chống lẩn tránh thuế.
Nguồn: tuoitre.vn