Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục đang dần thay đổi phương pháp dạy và học từ truyền thống sang dạy học tích cực, phát huy khả năng tư duy sáng tạo, chủ động của cả thầy và trò không chỉ ở trung tâm thành thị mà ngay cả ở vùng sâu, vùng xa. Và công nghệ cũng đang tác động tích cực trong công tác quản lý khi có những thầy hiệu trưởng gần 60 tuổi vẫn say mê nghiên cứu về ngôn ngữ lập trình, viết website… với mong muốn giảm bớt áp lực cho thầy, cô giáo trong quá trình tìm kiếm tài liệu, từ đó truyền cảm hứng cho học trò, xây dựng một thế hệ công dân số từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Từ lớp học thông minh…

Cách trung tâm thành phố Đồng Xoài hàng trăm kilômét, ở xã vùng sâu, vùng xa Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn thì giáo dục lại được quan tâm đầu tư đúng mức.

Học sinh lớp 9A1, Trường THCS Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập quét mã QR để bước vào tiết Hóa học

Tại lớp học thông minh Trường THCS Đăk Ơ, học sinh không học như cách truyền thống, cũng không có bảng đen, phấn trắng mà thay vào đó là những màn hình tương tác thông minh và mỗi học sinh được làm chủ một chiếc iPad nhỏ gọn cùng với đường truyền mạng tốc độ cao, phần mềm dạy học và quản lý lớp học… Tất cả thiết bị đều được kết nối, tích hợp các dữ liệu sách giáo khoa điện tử, giáo trình điện tử, kho học liệu số theo chuẩn của Bộ GD&ĐT, giúp tăng khả năng tương tác trực tuyến và trực tiếp giữa giáo viên và học sinh. Đây là mô hình được Sở GD&ĐT triển khai làm điểm.

Ở các môn học, giáo viên soạn bài giảng điện tử, tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ để thiết kế video, hình ảnh 3D, giúp tăng tính tương tác, tạo hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết dạy. Em Ngô Xuân Gia Hưng, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Đăk Ơ chia sẻ: “Điều thú vị ở lớp học thông minh là thay vì cô hỏi, trò trả lời như các lớp học truyền thống, thì tất cả học sinh liên tục được tham gia các trò chơi liên quan đến bài học, giáo viên kết hợp làm bài kiểm tra trực tuyến và chấm điểm luôn trên phần mềm. Cạnh tranh trả lời câu hỏi và tương tác sôi nổi giúp chúng em hiểu bài nhanh hơn”.

Tại lớp học thông minh, học sinh được học với màn hình tương tác thông minh và mỗi học sinh được làm chủ một chiếc iPad nhỏ gọn

Sau một năm triển khai thí điểm lớp học thông minh tại Trường THCS Đăk Ơ, bước đầu được giáo viên và học sinh đánh giá tích cực, các tiết học thêm sinh động, hiệu quả, tăng kỹ năng tương tác đa chiều giữa giáo viên với học sinh và học sinh với học sinh. Cô Nguyễn Thị Lương, giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Đăk Ơ cho biết: Để đáp ứng yêu cầu của lớp học thông minh, giáo viên phải luôn tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức mới từ các nguồn thông qua ứng dụng CNTT để đưa vào bài giảng. Các phần mềm đồ họa, bản đồ tương tác, video minh họa được vận dụng triệt để giúp những tiết học thêm sinh động, mang lại hứng thú cho học sinh.

Cùng với lớp học thông minh, Trường THCS Đăk Ơ đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào tất cả môn học. Với 1.064 học sinh ở 4 khối lớp, trường trang bị đường truyền mạng tốc độ cao đến từng lớp học, màn hình tivi lắp đặt tại 29/29 lớp và 13 phòng bộ môn. Giáo viên đều trang bị máy tính xách tay để phục vụ dạy học. Khi điều kiện sóng internet và máy tính hội đủ thì việc khai thác các tài liệu phục vụ dạy và học ngay trên lớp thuận lợi hơn rất nhiều.

Giáo viên soạn bài giảng điện tử, tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ để thiết kế video, hình ảnh 3D, giúp tăng tính tương tác, tạo hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết dạy

Ông Trần Đình Hồ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đăk Ơ cho rằng: Ứng dụng CNTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với quá trình đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT. Mỗi năm nhà trường đều dành nguồn kinh phí phù hợp để đầu tư cho chuyển đổi số. Trường cũng đang khai thác hiệu quả các ứng dụng công nghệ do ngành giáo dục triển khai như: phần mềm quản lý văn bản điện tử; quản lý cán bộ, giáo viên, học sinh (vnEdu); quản lý văn bản và điều hành qua phần mềm iOffìce và sử dụng chữ ký số. Trường cũng sử dụng học bạ điện tử, thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Hiệu quả trong quản lý và giảng dạy của trường không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp công tác quản lý trường học khoa học, tiện lợi, tiết kiệm hơn.

…đến thầy hiệu trưởng “số”

Sau nhiều năm dạy học cũng như làm công tác quản lý, thầy Phan Minh Chánh, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Minh Hưng, thị xã Chơn Thành hiểu rõ những hạn chế khi không có công nghệ hỗ trợ. Vì vậy, dù không học chuyên ngành CNTT nhưng thầy đã dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu về ngôn ngữ lập trình, thiết kế web. Ở độ tuổi 60, có lẽ hiếm ai còn giữ được niềm đam mê với công nghệ như vậy.

Thầy Phan Minh Chánh, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Minh Hưng, thị xã Chơn Thành tích cực tìm tòi, nghiên cứu về ngôn ngữ lập trình, thiết kế website cho trường khi ở độ tuổi 60

Thầy Chánh chia sẻ: “Khi có niềm đam mê thì dù ở độ tuổi nào không quan trọng. Từ năm 2007, khi đang công tác tại Trường THPT Chơn Thành, tôi bắt đầu tìm hiểu và viết mã code đầu tiên cho trường. Tôi nghĩ với mã nguồn mở như hiện nay, việc viết code không gặp nhiều khó khăn, tôi làm được thì chắc chắn các bạn trẻ cũng sẽ làm được. Từ cơ sở mã code ban đầu, tôi tạo thêm modum cho phù hợp, hiện website của Trường THCS và THPT Minh Hưng đưa vào sử dụng từ tháng 12-2023 đáp ứng đủ các yếu tố giao diện bắt mắt, tích hợp nhiều thông tin để cả giáo viên và học sinh đều có thể thuận tiện truy cập tìm nguồn học liệu chính thống, công khai thông tin về nhà trường, mức thu học phí, xem lịch học và rất nhiều thông báo hằng ngày khác”.

Trong quá trình vận hành, thầy Chánh cũng liên tục điều chỉnh, cập nhật, bổ sung để trang web ngày càng thân thiện, phù hợp với nhu cầu thực tế của trường. Nhờ những tiện ích của trang web trong quản lý, điều hành mà có khi Ban Giám hiệu đi công tác xa vẫn điều hành hoạt động của trường một cách trôi chảy, nhịp nhàng. Giáo viên và học sinh khai thác kho học liệu hiệu quả.

Giáo viên Trường THCS và THPT Minh Hưng, thị xã Chơn Thành khai thác trang website để phục vụ giảng dạy

Cô Đỗ Thị Hòa, giáo viên Trường THCS và THPT Minh Hưng cho biết: Từ khi website của trường đi vào hoạt động, đây chính là kênh thông tin – truyền thông quan trọng cung cấp thông tin, kiến thức, vừa là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm dạy, học của giáo viên nhà trường. Đồng thời với giao diện bắt mắt, hiển thị đầy đủ thông tin và rõ ràng, phụ huynh, học sinh đều dễ dàng truy cập để nắm lịch học.

Trong khi một số trường học trong tỉnh đang phải đầu tư nguồn kinh phí đáng kể để thuê kỹ sư CNTT viết và vận hành trang website thì việc thầy hiệu trưởng bỏ tâm, sức viết website cho chính ngôi trường của mình quản lý là một điều đáng quý. Thầy Chánh là minh chứng cho hình mẫu “Người thầy tự học, tự đào tạo, tự hoàn thiện mình để thích ứng với thời cuộc”.

Ngành GD&ĐT Bình Phước đang thực hiện các bước đi mạnh mẽ để đổi mới cơ bản và toàn diện chất lượng GD&ĐT. Đội ngũ giáo viên và công nghệ hiện đại kỳ vọng sẽ tạo đột phá nâng cao chất lượng dạy và học. Trong đó, giáo viên đang là những người chủ động, sáng tạo nắm bắt công nghệ mới, từ đó truyền lửa, đào tạo ra thế hệ công dân số trong tương lai. Giáo dục chuyển đổi số thành công sẽ tạo động lực chuyển đổi số cho các ngành nghề khác, phục vụ lâu dài cho nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh và quốc gia.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : chuyển đổi số

Các tin liên quan đến bài viết