Theo Bộ TT&TT, tính đến tháng 11, đã có 23 tỉnh, thành phố giao chỉ tiêu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho từng cơ quan nhà nước, gắn trách nhiệm với người đứng đầu đơn vị.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT vừa lần thứ 6 trong năm nay có báo cáo về tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Điều này chứng tỏ cung cấp DVCTT mức độ cao luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Bộ TT&TT cho biết, hồi tháng 9, Liên Hợp Quốc đã công bố Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Trong đó, chỉ số dịch vụ trực tuyến của Việt Nam xếp thứ 76/193 quốc gia, tăng 5 bậc so với kỳ báo cáo công bố năm 2020.
Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, gần 98% DVCTT đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức 4; hơn 5,3 triệu người dân có tài khoản hoạt động trên các Cổng DVCTT của bộ, ngành, địa phương và 3,3 triệu người dân có tài khoản hoạt động trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bộ TT&TT đề nghị các bộ, tỉnh triển khai mạnh mẽ các giải pháp để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Đáng chú ý, nhiều địa phương có những sáng kiến, cách làm hay để nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT tới người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, 23 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản giao chỉ tiêu cho từng cơ quan nhà nước trên địa bàn về tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến gồm Hòa Bình, Long An, Đắk Lắk, Hải Phòng, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Quảng Nam, Ninh Thuận, Đắk Nông, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Bến Tre, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Cao Bằng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên, Quảng Ninh, Kon Tum, Lào Cai, Thái Bình và Sóc Trăng.
Bên cạnh đó, còn có 7 địa phương là TP.HCM, Lạng Sơn, Thái Bình, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Bắc Giang, và Long An đã triển khai các chính sách khuyến khích người dân sử dụng DVCTT như giảm thời gian, chi phí sử dụng dịch vụ.
Dẫu vậy, theo đánh giá, nhiều DVCTT chưa thuận tiện, dễ sử dụng, chưa cá thể hóa cho người dùng. Hai chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến là tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến cũng còn chưa đạt mục tiêu 80% và 50% được Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương trong năm 2022.
Hơn thế, Nghị định 42 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, đặt ra yêu cầu cao hơn, triệt để hơn cho các bộ, ngành, địa phương trong việc cung cấp DVCTT, đó là hướng tới dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Vì thế, nhằm tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định 42, Bộ TT&TT vừa đề nghị các cơ quan nhà nước rà soát thủ tục hành chính trong phạm vi bộ, ngành, địa phương để xác định và công bố Danh mục DVCTT toàn trình, DVCTT một phần.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT như ban hành văn bản giao chỉ tiêu cung cấp DVCTT gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; chuẩn hóa và nâng cao trải nghiệm người dùng để cải tiến chất lượng DVCTT; nghiên cứu, ban hành chính sách giảm phí, lệ phí và giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân dùng DVCTT; nghiên cứu triển khai thí điểm một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy; nghiên cứu triển khai Trợ lý ảo hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT.
Nguồn: vietnamnet