Trong cuộc chiến Afghanistan, hệ thống vệ tinh được quân đội Mỹ dùng với mục đích bảo đảm thông tin chính xác về ý định hoạt động của quân Taliban.
Trong hệ thống vệ tinh trinh sát quang-điện tử có sáu vệ tinh trinh sát Lacros, có nhiệm vụ cung cấp hình ảnh phản xạ của các mục tiêu, các công trình và phương tiện kỹ thuật quân sự, quan sát khu vực đóng quân của lực lượng Taliban. Các vệ tinh này chụp ảnh với độ phân giải cao và sử dụng phối hợp với các vệ tinh tiếp phát SDS và TDRS.
Với mục đích mở rộng khả năng trinh sát ảnh để bảo đảm hoạt động chiến đấu, Cơ quan Trinh sát ảnh và bản đồ quốc gia Mỹ được quyền sử dụng các bức ảnh chụp lãnh thổ Afghanistan do vệ tinh thương mại Ikones chụp, có độ phân giải 1m.
Quân đội Mỹ cũng được quyền sử dụng các thông tin nhận được từ hệ thống vệ tinh thăm dò tài nguyên thiên nhiên trái đất. Đó là các vệ tinh Landsat-7, Terra, Orview. Thông tin từ các vệ tinh này được sử dụng để thiết lập, bổ sung và làm rõ bản đồ địa hình, tạo thuận lợi cho việc đánh giá tình hình khu vực hoạt động chiến đấu.
Hình mình họa hệ thống vệ tinh dẫn đường NAVSTAR |
Trong cuộc chiến này, Mỹ đã quyết định kéo dài thời hạn sử dụng vệ tinh thử nghiệm chụp ảnh quang-điện tử bề mặt trái đất EO-1 thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia (NASA) với mục đích bảo đảm trinh sát tốt hơn cho quân đội Mỹ. Nhờ vệ tinh này, quân đội Mỹ đã nhận được các bức ảnh vị trí bề mặt trái đất với độ phân giải 30m, cho phép sử dụng để đánh giá thiệt hại của mục tiêu, trên cơ sở so sánh các bức ảnh đa phổ được chụp trước và sau khi tiến hành các đòn đánh và để hạ quyết tâm về sự cần thiết phải công kích lặp lại.
Đối với vệ tinh trinh sát vô tuyến điện, Mỹ sử dụng 2 vệ tinh Acvakaid (loại Magnum và Mentor). Các vệ tinh này cho phép thu các tín hiệu liên lạc vô tuyến, liên lạc tiếp sức, đối lưu, các tín hiệu phát từ vệ tinh, tín hiệu của tên lửa đạn đạo, máy bay và các tín hiệu điều khiển các phương tiện bay không người lái.
Có ý kiến cho rằng, Taliban sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc vệ tinh di động rất hiện đại. Tuy nhiên, vệ tinh trinh sát vô tuyến điện của Mỹ cho phép thu được các cuộc trao đổi giữa các chỉ huy Taliban, phát hiện kịp thời khu vực đóng quân và kế hoạch của chúng.
Các vệ tinh liên lạc quân sự làm việc với cường độ lớn nhất, song chỉ bảo đảm 40-60% yêu cầu của các lực lượng tham gia chiến dịch. Trong thành phần của cụm vệ tinh này có 6 vệ tinh thuộc hệ thống liên lạc chiến lược DSCS, 3 vệ tinh nối mạng liên lạc chiến lược và chiến thuật Mistar, 2 vệ tinh loại UFO thuộc hệ thống liên lạc chiến dịch-chiến thuật của hải quân, không quân và lục quân, 6 vệ tinh thuộc hệ thống chuyển tin SDS.
Ngoài ra, Mỹ cũng sử dụng vệ tinh thuộc các hệ thống NASA theo dõi, tiếp phát thông tin TDSS. Do lưu lượng thông tin cần thiết để bảo đảm cho chiến dịch tăng lên đột ngột, Mỹ đã phải sử dụng tối đa các hệ thống liên lạc vũ trụ (so với chiến dịch Bão táp sa mạc, lưu lượng thông tin chuyển phát tăng 7 lần).
Đặc biệt là hệ thống liên lạc vệ tinh di động Iridium với 66 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo thấp. Hệ thống này bảo đảm cho các cụm quân Mỹ có đủ kênh liên lạc nối mạng thông tin số của Bộ Quốc phòng Mỹ (DISN) và bảo đảm cho hệ thống liên lạc của các cơ quan điều hành các bang của nước Mỹ, bảo đảm cho hệ thống liên lạc điện thoại quốc gia và mạng Internet.
Hệ thống vệ tinh dẫn đường NAVSTAR gồm 24 vệ tinh bảo đảm dẫn đường theo thời gian thực cho các lực lượng Mỹ. Việc rút ngắn khoảng thời gian điều chỉnh giữa các vệ tinh của hệ thống NAVSTAR bằng các tổ hợp đo kiểm tra của không quân Mỹ cho phép nâng cao độ chính xác, xác định toạ độ mục tiêu phục vụ cho sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Trong lập kế hoạch và tiến hành các vụ không kích và các đòn đánh bằng tên lửa, quân đội Mỹ đặc biệt chú trọng việc sử dụng thông tin nhận được từ các vệ tinh của hệ thống kiểm tra môi trường quốc gia NPOESS. Hệ thống này được sử dụng để dự báo thời tiết, thiết lập bản đồ khí tượng dự báo toàn cầu và khu vực trong thời gian 1 ngày đến 2 tuần, cho phép tiến hành lựa chọn thông tin về tình trạng mây, áp suất khí quyển và các thông số khác của vùng không gian gần trái đất.
Các vệ tinh khí tượng Block-5D2-8 và Block-5D3-1 được sử dụng với cường độ cao nhất. Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống NPOESS cho phép bảo đảm đầy đủ cho các đơn vị quân Mỹ các thông tin khí tượng.
Đặc biệt, dự báo về sự thay đổi trong hoạt động của mặt trời đã đem lại khả năng kịp thời hiệu chỉnh chức năng của các vệ tinh liên lạc, trinh sát, dẫn đường, góp phần nâng cao hiệu quả các đòn đánh và việc chỉ huy các lực lượng. Để bảo đảm dự báo khí tượng cho các lực lượng hải quân, các vệ tinh Quicksat của NASA được sử dụng để xác định tốc độ và hướng gió trên bề mặt đại dương.
Như vậy, trong cuộc chiến Afghanistan, các hệ thống vệ tinh của Mỹ được sử dụng với hiệu suất khá cao. Đồng thời, cũng bộc lộ một số nhược điểm, đó là thiếu vệ tinh trinh sát radar và quang-điện tử để định hướng kịp thời cho người chỉ huy sử dụng các lực lượng chiến thuật.
Hậu quả là trong một số trường hợp, người chỉ huy không nhận được kịp thời các tin tức trinh sát. Ngoài ra, chu kỳ không quan sát được của các vệ tinh đối với khu vực tác chiến đã làm gián đoạn việc giám sát sự di chuyển của các lực lượng và phương tiện của quân Taliban.
Nguồn: vietnamnet