“Việc kiểm soát các hải cảng vẫn hoàn toàn nằm trong tay Ukraine. Thỏa thuận này chỉ áp dụng với những tàu thuyền liên quan tới việc xuất khẩu ngũ cốc và nhiều loại thực phẩm. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực trong 120 ngày kể từ thời điểm được ký, và có thể sẽ được gia hạn thêm 120 ngày nữa trừ khi một bên tuyên bố ý định hủy bỏ”, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov nói với hãng tin CNN hôm 22/7.
Theo ông Kubrakov, thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc sẽ khuyến khích những người nông dân Ukraine gieo trồng cho vụ mùa sau.
“Việc vận hành các cảng biển Ukraine là đóng góp của chúng tôi đối với an ninh lương thực toàn cầu, cũng như nền kinh tế thế giới. Điều này sẽ làm chậm guồng quay lạm phát, điều mà đã trở thành một vấn đề đối với cả thế giới. Thỏa thuận này mang lại cho chúng tôi những cơ hội, nhưng chúng tôi sẽ không ngừng phát triển các tuyến đường hậu cần thay thế và sẵn sàng cho bất cứ tình huống nào”, ông Kubrakov nói thêm.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu sau lễ ký kết thỏa thuận tuyên bố rằng nước này “sẽ không ‘thừa nước đục thả câu’ trong vấn đề thủy lôi ở Biển Đen được gỡ bỏ và các cảng Ukraine mở cửa trở lại”.
“Đây là một phần thỏa thuận được Liên Hợp Quốc (LHQ) làm trung gian, để nối lại việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Nga đã thực hiện các nghĩa vụ được nêu rõ trong thỏa thuận. Chúng tôi sẽ không tận dụng lợi thế rằng các cảng của Ukraine sẽ được dọn thủy lôi và mở cửa. Chúng tôi đã thực hiện cam kết này”, hãng tin The Guardian dẫn lời ông Shoigu nói.
Theo The Guardian, giới chức phương Tây trong tối 22/7 đã lên tiếng ủng hộ việc Nga, Ukraine cùng LHQ đạt được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. “Đây là một bước đi tích cực với an ninh lương thực thế giới. Nước Anh sẽ tiếp tục theo dõi nhằm đảm bảo Nga sẽ thực hiện ‘hành động đi đôi với lời nói’”, Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói.
“Các thỏa thuận được ký kết giữa Ukraine, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ là một bước đi quan trọng trong việc khắc phục tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu do cuộc xung đột ở Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) vẫn giữ cam kết nhằm giúp Ukraine đưa càng nhiều ngũ cốc ra thị trường toàn cầu càng tốt”, ông Josep Borrell, lãnh đạo các vấn đề đối ngoại của EU viết trên Twitter.
EU duyệt viện trợ quân sự cho Kiev
Theo hãng tin CNN, Liên minh châu Âu (EU) đêm 22/7 đã phê chuẩn khoản viện trợ quân sự trị giá 500 triệu Euro dành cho Ukraine.
“Hai biện pháp hỗ trợ này trong khuôn khổ Qũy Hòa bình châu Âu (EPF) là nhằm thúc đẩy sự giúp đỡ từ EU đối với khả năng của lực lượng vũ trang Ukraine trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đất nước, cũng như bảo vệ dân thường trong cuộc xung đột”, thông cáo từ Ủy ban châu Âu (EC) viết.
“EU vẫn kiên định ủng hộ Ukraine trong cuộc đấu tranh giành tự do và độc lập. Ukraine cần thêm vũ khí, và chúng tôi sẽ cung cấp cho họ. Trong bối cảnh đó, các quốc gia thành viên EU nhất trí huy động gói viện trợ quân sự thứ năm trị giá 500 triệu Euro, nâng tổng giá trị các trang thiết bị quân sự chuyển cho Ukraine lên 2,5 tỷ Euro”, thông cáo từ EC viết thêm.
Mỹ công bố lô vũ khí mới chuyển cho Ukraine
Giới chức Mỹ đêm 22/7 tuyên bố sẽ gửi thêm lô vũ khí trị giá 270 triệu USD nhằm hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Lô vũ khí này sẽ bao gồm nhiều hệ thống phóng tên lửa tầm trung và máy bay không người lái (UAV) chiến thuật.
“Gói viện trợ mới bao gồm 4 Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) M142 và 580 UAV ‘Bóng ma Phượng hoàng’, những hệ thống vũ khí quan trọng cho phép Ukraine tiếp tục chiến đấu bất chấp sự vượt trội của Nga về pháo binh. Đồng thời, chúng tôi sẽ gửi thêm khoảng 36.000 đạn pháo cùng tên lửa bổ sung cho các hệ thống M142”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nói với trang tin Al Jazeera.
“Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rõ rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Ukraine và người dân ở đó lâu nhất có thể”, ông Kirby nói thêm.
Nguồn: vietnamnet