Từ hôm nay 15-9, tất cả nhà cung cấp của Huawei trên khắp thế giới sẽ phải dừng bán hàng cho Huawei nếu sản phẩm của họ chứa công nghệ Mỹ. Báo Nikkei của Nhật Bản bình luận: “Huawei bước vào một thế giới mới”.
Nếu muốn tiếp tục làm ăn với Huawei, các nhà cung cấp này cần xin được giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ, theo thông báo đã được Bộ Thương mại Mỹ nêu ra từ hôm 17-8 khi Washington siết chặt các hạn chế đối với việc Huawei tiếp cận công nghệ của nước này.
Quay về 10 năm trước
Chưa rõ Mỹ có đưa ra nhượng bộ hay áp dụng biện pháp nào nhẹ tay hay không nếu các bên nộp đơn xin phép tiếp tục làm ăn.
Khi bước vào “thế giới mới”, nhiều linh kiện quan trọng với hoạt động của Huawei sẽ gặp nguy hiểm: từ các vật liệu bán dẫn chủ chốt tới ống kính camera và thậm chí bảng mạch in. Từ cuối năm 2018, Huawei đã dự trữ các loại chip nhưng không rõ tập đoàn này đã thu thập đầy đủ các linh kiện điện tử cần thiết như màn hình và ống kính camera hay chưa.
“Các thiết bị điện tử rất phức tạp. Nếu không có bất kỳ một trong các linh kiện, bạn không thể lắp ráp hoàn tất các thiết bị như điện thoại thông minh, laptop” – ông Ngô Gia Chiêu, chủ tịch Công ty công nghệ Nam Á (Đài Loan), cho biết.
Còn ông Tô Tử Vân, giám đốc Viện Nghiên cứu an ninh phòng vệ Đài Loan và là một chuyên gia về chuỗi cung ứng, cho rằng Huawei có thể sẽ tìm kiếm một số linh kiện cấp thấp thay thế. “Tuy nhiên, điều đó có thể khiến các sản phẩm của Huawei ít mang tính cạnh tranh hơn và thậm chí quay ngược lại chỗ đứng của họ 10 năm trước” – ông Tô lưu ý.
Việc Huawei bước vào “thế giới mới” có thể là giây phút tác động lớn tới cả ngành công nghiệp. Các nhà cung cấp của Huawei khi đó sẽ mất đi một khách hàng lớn.
Còn các đối thủ cạnh tranh của Huawei trong lĩnh vực điện tử dân dụng và thiết bị viễn thông như Apple, Samsung, Xiaomi, Oppo, Vivo, Ericsson và Nokia sẽ sẵn sàng thâu tóm thị phần. Những công ty mua thiết bị 5G của Huawei cũng phải tìm giải pháp thay thế.
Các đòn của Mỹ với Huawei
Tháng 5-2019, Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen thương mại, hạn chế tập đoàn này sử dụng các công nghệ của Mỹ bằng cách yêu cầu các nhà cung cấp của Mỹ phải xin phép chính phủ trước khi bán hàng cho Huawei.
Đến tháng 5-2020, Mỹ hạn chế các nhà sản xuất không phải của Mỹ – chẳng hạn nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC – chế tạo bất kỳ sản phẩm nào cho Huawei và HiSilicon (công ty con của Huawei) nếu các nhà sản xuất này có sử dụng thiết bị của Mỹ.
Tháng 8-2020, Mỹ cấm tất cả nhà cung cấp có sử dụng công nghệ Mỹ bán hàng cho Huawei nếu không có giấy phép của Mỹ.
Vật liệu bán dẫn là tâm điểm
Sự trỗi dậy nhanh chóng của Huawei và mối quan hệ của họ với Bắc Kinh từ lâu đã trở thành mối lo ngại của Mỹ. Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng đáng kể dưới thời Tổng thống Donald Trump, đặc biệt từ lúc bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính Huawei và là con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt ở Canada sau yêu cầu của Mỹ.
“Huawei và các chi nhánh của họ ở nước ngoài ngày càng tìm cách có được những vật liệu bán dẫn tiên tiến được phát triển hoặc sản xuất từ các công nghệ và phần mềm của Mỹ để đạt các mục tiêu chính sách của Trung Quốc” – Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross từng tuyên bố.
Các vật liệu bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua công nghệ khi Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành vị trí thống trị trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) và máy tính lượng tử. Và những hạn chế mà Mỹ áp dụng lên Huawei chỉ là một phần trong cuộc đối đầu giữa hai nước.
Tuy nhiên, James Andrew Lewis, giám đốc Chương trình chính sách công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ, bình luận Trung Quốc phải mất ít nhất 1 thập niên nữa mới có thể bắt kịp Mỹ về năng lực sản xuất chip cao cấp – vốn đòi hỏi độ chính xác và kỹ năng khoa học cao. Ông cho rằng các biện pháp của Mỹ gần đây có thể làm chậm quá trình này.
Còn về Trung Quốc, nước này có nhiều lợi thế như sẵn sàng chi tiêu, đầu tư mạnh vào công nghệ và rất quyết tâm nhưng cũng có nhiều bất lợi. “Chúng ta chỉ ở điểm bắt đầu của một cuộc xung đột lớn hơn – nơi công nghệ, các lực lượng kinh tế và có thể cả các thiết bị trong nhà bếp của bạn sẽ đóng một vai trò lớn hơn” – James Andrew Lewis bình luận.
TikTok bán cho Oracle?
Ngày 14-9, truyền thông Mỹ đưa tin ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok, sẽ chính thức chọn Tập đoàn Oracle của Mỹ là “đối tác công nghệ tin cậy” của TikTok tại Mỹ.
Theo Reuters, cách làm này được cho nhằm tránh lệnh cấm của Mỹ, trong khi “làm nguôi ngoai” Trung Quốc. Tuy nhiên, Đài CGTN (Trung Quốc) cùng ngày dẫn các nguồn tin khẳng định ByteDance sẽ không bán mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ cho Microsoft hay Oracle.
Với việc áp dụng các hạn chế lên Tập đoàn Huawei hay ban bố các sắc lệnh hành pháp cấm giao dịch với Tencent (chủ sở hữu WeChat) hay ByteDance…, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cho thấy họ ngày càng nỗ lực gây sức ép lên hàng loạt công ty công nghệ của Trung Quốc.
Nguồn: tuoitre.vn